Thứ năm, 24/06/2021 14:54 GMT+7

Thông báo mời nộp hồ sơ đăng ký đề tài Tiềm năng năm 2021 theo Thông tư số 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 của Bộ KH&CN

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài Tiềm năng theo Thông tư số 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 của Bộ KH&CN bắt đầu đăng ký thực hiện từ năm 2022. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến 17h00 ngày 16 tháng 8 năm 2021 (thứ Hai) hoặc khi số lượng hồ sơ đăng ký trên hệ thống OMS đạt 70 hồ sơ.

1. Mục tiêu tài trợ

Tài trợ các hoạt động nghiên cứu có tính ứng dụng cao và có triển vọng tạo ra, phát triển hướng nghiên cứu mới hoặc sản phẩm mới thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia.

2. Đối tượng tài trợ

Các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; Các tổ chức, cá nhân khác và các doanh nghiệp có liên quan.

3. Yêu cầu chung

3.1. Vấn đề nghiên cứu của đề tài: Phải có tính đột phá, tiên phong, khi được nghiên cứu thành công có khả năng mở ra hướng nghiên cứu mới trong khoa học và công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm công nghệ mới. Đối với nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ mới phải có địa chỉ ứng dụng cho các kết quả chính tạo ra khi đề tài được hoàn thành;

3.2. Lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia

3.2.1. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

3.2.2. Lĩnh vực khoa học tự nhiên.

3.2.3. Các hướng công nghệ ưu tiên:

a) Công nghệ thông tin và truyền thông;

b) Công nghệ sinh học;

c) Công nghệ vật liệu mới;

d) Công nghệ chế tạo máy – Tự động hóa;

e) Công nghệ môi trường.

(Các hướng khoa học và công nghệ ưu tiên được quy định cụ thể tại Khoản 3, Mục III Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020).

3.3. Thời gian thực hiện đề tài: Không quá 36 tháng.

4. Sản phẩm của đề tài

a) Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm giải pháp khoa học và công nghệ với đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết vấn đề đặt ra, sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu (nếu có).

b) Công bố khoa học dưới một trong các hình thức sau:

– Ít nhất hai (02) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín;

– Bằng độc quyền sáng chế được chuyên gia đánh giá xác định chất lượng nội dung khoa học hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp chưa được cấp bằng thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng bảo hộ.

(Ưu tiên đối với các nhiệm vụ thuộc 05 hướng công nghệ ưu tiên đăng ký bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng).

5. Điều kiện của tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện đề tài

5.1. Đối với tổ chức đăng ký chủ trì đề tài:

a) Có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài;

b) Có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp để triển khai thực hiện đề tài;

c) Không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 của Bộ KH&CN trong thời gian 01 năm, tính từ thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

5.2. Đối với cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề tài:

a) Là người đề xuất và chủ trì xây dựng thuyết minh đề tài;

b) Có trình độ từ đại học trở lên và đang hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài;

c) Có khả năng tổ chức thực hiện và bảo đảm thời gian để chủ trì đề tài;

d) Không bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Không vi phạm các điều kiện đăng ký chủ trì đề tài theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Thông tư 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 của Bộ KH&CN;

e) Đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu sau đây:

– Phải có công trình công bố trên tạp chí ISI uy tín có nội dung liên quan đến đề tài đăng ký trong thời gian năm (05) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

– Là tác giả sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ, có nội dung liên quan đến đề tài đăng ký và được ứng dụng vào thực tiễn trong thời gian bảy (07) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

6. Hồ sơ đăng ký đề tài

6.1. Hồ sơ đăng ký đề tài (tải tại đây)

a) Đơn đăng ký đề tài (Mẫu ĐXTN-02 – Khai trên hệ thống OMS)

b) Thuyết minh đề tài (Mẫu ĐXTN-03)

c) Thuyết minh tóm tắt đề tài (Mẫu ĐXTN-04 – Khai trên hệ thống OMS)

d) Kê khai năng lực nghiên cứu và cơ sở vật chất của đơn vị đăng ký chủ trì đề tài (mẫu ĐXTN-05)

e) Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm (cùng các tài liệu chứng minh thành tích theo yêu cầu tại Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 40/2014/TT-BKHCN) và các thành viên tham gia đề tài (Mẫu ĐXTN-06).

f) Xác nhận phối hợp của các đơn vị phối hợp (Mẫu ĐXTN-07)

g) Giấy xác nhận khả năng ứng dụng kết quả của đề tài (Yêu cầu đối với đề tài tạo ra sản phẩm công nghệ mới) (Mẫu ĐXTN-08)

h) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức chủ trì.

6.2. Yêu cầu đối với hồ sơ đăng ký

a) Hồ sơ phải được điền đầy đủ thành phần, thông tin, chữ ký và dấu theo mẫu quy định và đảm bảo sự thống nhất (trùng khớp) giữa bản in và bản điện tử được nhập trên hệ thống OMS của Quỹ;

b) Hồ sơ được gửi đến Quỹ dưới dạng Bản in (bản gốc, số lượng 01 bộ) và Bản điện tử được nhập trên hệ thống OMS trong thời gian quy định:

– Hồ sơ in trên giấy được ký và xác nhận bằng bút mực xanh và dấu đỏ (đối với bản gốc) hoặc bản sao công chứng theo quy định, bao gồm toàn bộ các loại hồ sơ quy định tại mục 6.1 (Đối với 03 loại hồ sơ khai trực tiếp trên hệ thống OMS, sau khi hoàn thiện được tải về, in và ký, đóng dấu theo quy định).

– Hồ sơ bản điện tử được nhập trên hệ thống OMS (Hệ thống quản lý đề tài trực tuyến) của Quỹ, bao gồm:

+) Hồ sơ khai trực tiếp trên hệ thống OMS, gồm có: (1) Đơn đăng ký đề tài và (2) Thuyết minh tóm tắt đề tài.

+) Các hồ sơ còn lại được đính kèm file trên hệ thống OMS.

Link truy cập hệ thống OMS: https://e-services.nafosted.gov.vn/

Tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống (Hướng dẫn sử dụng OMS).

Điện thoại hỗ trợ về chuyên môn: 024. 3934 0411/ ext: 305

Điện thoại hỗ trợ về tin học: 024. 3936 7750/ ext: 801

7. Tiếp nhận hồ sơ

Tiếp nhận hồ sơ: kể từ ngày 01/7/2021 (hệ thống OMS bắt đầu hoạt động) đến 17h00 ngày 16/8/2021 (thứ 2) hoặc đã nhận đủ 70 hồ sơ đăng ký. Số thứ tự hồ sơ được cung cấp khi đăng ký trên hệ thống OMS của Quỹ (CQĐH Quỹ sẽ thông báo khi có đủ 70 hồ sơ được chấp nhận).

Đối với các hồ sơ bản in được gửi trực tiếp đến Quỹ trong thời hạn trên. Đối với các hồ sơ gửi theo đường bưu điện được chấp nhận là hợp lệ khi thời gian gửi theo dấu của bưu điện nơi gửi trong thời hạn trên.

Cá nhân đăng ký chủ nhiệm đề tài chuẩn bị trước Phiếu khai hồ sơ (mẫu ĐXTN-01, sẽ tự động cập nhật trên hệ thống OMS), số lượng 02 bản, nộp cùng hồ sơ đăng ký đề tài (bản in). Quỹ sẽ kiểm tra, xác nhận và gửi lại 01 bản cho người nộp hồ sơ.

Địa chỉ nhận Hồ sơ: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Văn phòng Quỹ (Phòng 405), nhà 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 39369503; Fax: (024) 39367751.

Email: nafosted@most.gov.vn; Website: www.nafosted.gov.vn

8. Thời gian tổ chức đánh giá xét chọn

Thời gian tổ chức đánh giá xét chọn đề tài và công bố kết quả tài trợ kể từ thời điểm kết thúc tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho đến ngày thông báo kết quả phê duyệt danh mục các đề tài được xem xét tài trợ, dự kiến khoảng 60 ngày (không tính thời gian kiểm tra, khảo sát của Hội đồng khoa học – nếu có).

9. Các văn bản tham khảo liên quan

Để có thêm thông tin hướng dẫn chi tiết, có thể tham khảo các văn bản sau đây:

9.1. Thông tư 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ.

9.2. Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

9.3. Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 22/4/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính Quỵ định khoán chỉ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

9.4. Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định việc quản lý, xử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

9.5. Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

9.6. Thông tư 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính Qui định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

9.7. Văn bản số 15203/BTC-HCSN ngày 26/10/2016 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn bổ sung một số quy định quản lý tài chính đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

9.8. Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020.

Xem Phần III (Định hướng nhiệm vụ phát triển KHCN), Mục 3 (Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên) để tham khảo các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên.

9.9. Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 11/12/2019 của Hội đồng quản lý Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia về việc phê duyệt danh mục tạp chí Quốc tế và Quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học Xã hội và Nhân văn.

9.10. Quyết định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 09/8/2019 của Hội đồng quản lý Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia về việc phê duyệt danh mục tạp chí ISI uy tín danh mục tạp chí quốc tế uy tín và danh mục tạp chí quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Nguồn: Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3271

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)