"Lựa chọn phát triển công nghệ mở, phát triển phần mềm nguồn mở, mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta", ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ mở được tổ chức hôm 18/11. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng với định hướng này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghệ, dựa trên "thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại".
Công nghệ mở, theo ông Hùng, không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng đó là văn hoá mở. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kêu gọi mọi người cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ, khi đó, giá công nghệ sẽ rẻ đi. "Công nghệ số thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành 'không khí thở' của chúng ta, và vì thế, công nghệ phải rẻ như không khí. Cách để đạt được điều đó là công nghệ mở".
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Công nghệ mở, hôm 18/11. Ảnh: Lưu Quý
Ngoài ra, công nghệ mở sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thời đại số, như an toàn thông tin, khai thác dữ liệu, khả năng kết hợp của các công ty với nhau, đồng thời sẽ tận dụng được sức sáng tạo của toàn dân.
Lấy ví dụ trong thời kỳ Covid-19, ông Hùng cho biết đã có rất nhiều ứng dụng số của Việt Nam, như Bluezone, CoMeet... được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.
Trong lĩnh vực viễn thông, Viettel và VinGroup sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, các đơn vị kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế. Theo công bố của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù có xuất phát thấp.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) - cho rằng việc phát triển các dự án nguồn mở là một xu hướng không thể đảo ngược của ngành công nghệ toàn cầu.
Theo ông Đường, sự chậm phát triển trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở của Việt Nam đến từ những hạn chế do văn hóa "đóng", tình trạng cát cứ dữ liệu và sự thiếu quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào mảng công nghệ này. Đại diện Cục Tin học hóa cũng đặt mục tiêu Việt Nam cần phải lọt vào top 10 các bảng xếp hạng về tăng trưởng phần mềm nguồn mở. Hiện nay, thứ hạng của Việt Nam là 20.
Ba trụ cột được Cục Tin học hóa đưa ra để phát triển công nghệ mở tại Việt Nam, gồm phát triển hệ sinh thái mở Make in Vietnam, thúc đẩy văn hoá mở và phát triển cộng đồng mở.
Tại Diễn đàn Công nghệ mở, Cục Tin học hóa đã tuyên bố chương trình hành động trong năm 2021 để hiện thực hóa các mục tiêu về công nghệ mở. Một số chương trình lớn sẽ được thực hiện trong năm 2021 là hoàn thành nền tảng điện toán đám mây Chính phủ trên nền tảng Open Stack; công bố nền tảng mở cho camera thông minh, cho phép cộng đồng xây dựng ứng dụng chạy trên nền tảng camera thông minh; hoàn thành trạm phát sóng 5G theo chuẩn mở; chia sẻ các bộ dữ liệu mở phục vụ nghiên cứu AI; xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ mở...
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-nam-se-phat-trien-cong-nghe-bang-cac-nen-tang-mo-4193948.html