Thứ sáu, 24/04/2020 17:34 GMT+7

Từ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến vai trò của Sở hữu trí tuệ trong xây dựng nền kinh tế xanh

Từ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với việc đặt “tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội” làm mục tiêu chung. Chiến lược đã chỉ ra ba nhiệm vụ chiến lược gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đồng thời đề ra 17 giải pháp thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ kể trên.

Trong số những giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh phải kể đến các nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh; nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, ban hành hệ thống tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật và thông tin dữ liệu về tăng trưởng xanh. Nội dung chính của các nhóm giải pháp này là thúc đẩy việc dán nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; Xây dựng hệ thống chứng nhận và dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm xanh, hình thành và quảng bá thị trường sản phẩm xanh; Áp dụng một số công cụ kinh tế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế và phí bảo vệ môi trường để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý, trước hết đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường; Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hạn chế lãng phí năng lượng và tài nguyên; Khuyến khích nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh/các-bon thấp, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng …

Việc ban hành chính sách cùng các công cụ pháp lý khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường như ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường của Nhà nước cùng với xu thế khi người tiêu dùng mua sản phẩm hàng hóa không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe, môi trường của sản phẩm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh trong các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về môi trường và xã hội; có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; có uy tín trên thị trường và lợi thế trong các quyết định mua sắm của Chính phủ, qua đó, nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.



Nền kinh tế xanh đem lại lợi ích bền vững cho toàn xã hội (Nguồn: Internet)

 

Vai trò của Sở hữu trí tuệ trong xây dựng nền kinh tế xanh

Từ định hướng phát triển nền kinh tế xanh và bền vững của Nhà nước và nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh và thân thiện môi trường của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, nhà sáng chế ngày càng hướng đến việc tạo ra các các giải pháp công nghệ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rủi ro từ việc các giải pháp được tạo ra bị đánh cắp và khai thác ngoài ý muốn là mối bận tâm rất lớn của tác giả và chủ sở hữu các giải pháp này.

Bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích là dành cho chủ sở hữu sáng chế các “độc quyền” trong việc sử dụng thành quả sáng tạo từ đó tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo cho toàn xã hội. Bảo hộ sáng chế giúp mang lại cho tác giả và chủ sở hữu sáng chế cơ hội để bù đắp những chi phí của mình, thu lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm có mang sáng chế và từ việc chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế cho người khác để khai thác tại nhiều thị trường hơn. Điều đó có nghĩa là phần thưởng cho các tác giả và chủ sở hữu sáng chế là lợi ích kinh tế và chính phần thưởng này là động lực giúp họ tiếp tục đầu tư để thúc đẩy lập lại quy trình sáng tạo, đầu tư một phần thu nhập của mình cho hoạt động đổi mới/sáng tạo để hình thành ra những sáng chế mới, sáng chế thân thiện với môi trường.

Giải pháp về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt của tác giả Trần Kim Qui và cộng sự đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2018. Giải pháp này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích năm 2016 là một trong những ví dụ cụ thể về bảo hộ sáng chế thúc đẩy cho đổi mới, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường, giải quyết khủng hoảng về biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai xanh.



Giải pháp về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt của tác giả Trần Kim Qui và cộng sự đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2018 (Nguồn: Internet)

 

Bên cạnh chú trọng cải tiến công nghệ, tạo ra các giải pháp, quy trình và sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng không kém, đó là yếu tố quan trọng gắn kết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Xu hướng người tiêu dùng ngày càng có ý thức và quan tâm tới yếu tố bảo vệ môi trường khi lựa chọn mua sắm sản phẩm, dịch vụ đã hướng các doanh nghiệp thiết kế, sử dụng và đăng ký bảo hộ những bao bì, hình dáng sản phẩm, nhãn hiệu có chứa yếu tố thân thiện với môi trường như là “Eco”, “Green”, “Xanh”, … cùng các yếu tố màu sắc, hình ảnh gắn với ý nghĩa bảo vệ môi trường như các màu xanh lam, xanh lục, nâu, hình chiếc lá…

Hơn nữa, xu thế chung của thương mại toàn cầu hiện nay là các sản phẩm, để được nhận biết và tiêu thụ được, cần phải có chứng nhận, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ. Nhãn sinh thái hay còn được gọi là nhãn xanh được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) định nghĩa là một chứng nhận tự nguyện đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường. Một trong số những nhãn sinh thái đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận là Nhãn Xanh Việt Nam, với tiêu chí giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.



Nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn xanh Việt Nam”

 

Như vậy việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo nên một trong những công cụ hữu hiệu để xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp doanh nghiệp thể hiện thông điệp về môi trường tới người tiêu dùng, từ đó tạo dựng được danh tiếng trên thị trường đồng thời khuyến khích sự hình thành các ý tưởng, giải pháp, sáng chế trong lĩnh vực công nghệ xanh/các-bon thấp, năng lượng tái tạo,… vì môi trường, hướng tới xây dựng một tương lai xanh cho đất nước./.

Nguồn: Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh

Lượt xem: 2414

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)