Thứ ba, 03/09/2019 18:51 GMT+7

Thông báo tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu cơ bản trong Khoa học xã hội và nhân văn năm 2020 đợt I

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia công bố tiếp nhận hồ sơ đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đánh giá xét chọn và tài trợ năm 2020 đợt I. Thời hạn nhận hồ sơ đánh giá xét chọn đợt này trước 17h00 ngày 15/10/2019.

I. Mục tiêu tài trợ  
- Tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản trong các tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam.    
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh; góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. 
- Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học.    

II. Phạm vi tài trợ

Đề tài nghiên cứu cơ bản gồm các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Triết học, đạo đức học và tôn giáo, Xã hội học, Khoa học chính trị, Kinh tế và kinh doanh, Địa lý kinh tế và xã hội, Pháp luật, Lịch sử và khảo cổ học, Dân tộc học, Tâm lý học, Khoa học giáo dục, Ngôn ngữ và văn học, Thông tin đại chúng và truyền thông, Nghệ thuật (theo bảng phân loại lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 4 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (tải Danh mục tại đây) và Quyết định số 95/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 24/6/2016 của Hội đồng quản lý Quỹ về việc công bố Danh mục Hướng nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn thực hiện từ năm 2016;

III. Đối tượng tài trợ

– Tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam; tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học; tổ chức nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu với tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam.
– Cá nhân nhà khoa học là công dân Việt Nam; nhà khoa học nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu với tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân nhà khoa học Việt Nam.

IV. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài và yêu cầu về kết quả đề tài

1. Đối với tổ chức chủ trì đề tài

a) Các tổ chức khoa học và công nghệ có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài;
b) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức chủ trì theo quy định của Quỹ.

2. Đối với chủ nhiệm đề tài:

a) Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu đề tài, đang làm công tác nghiên cứu tại một tổ chức khoa học và công nghệ. Trường hợp chủ nhiệm đề tài không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ nào, phải được một tổ chức khoa học và công nghệ uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp bảo trợ và chấp nhận làm tổ chức chủ trì (tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ là tổ chức khoa học và công nghệ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại kho bạc nhà nước);

b) Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

c) Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài;

d) Không vi phạm các điều kiện đăng ký chủ trì, tham gia đề tài theo quy định.

3. Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:

a) Thành viên nghiên cứu chủ chốt, thư ký khoa học: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu phù hợp được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

Trường hợp là thạc sĩ phải có kết quả nghiên cứu phù hợp, có 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín hoặc 01 sách chuyên khảo trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;

b) Nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài phải có nội dung luận án phù hợp với đề tài, có quyết định giao đề tài luận án không quá 24 tháng tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

c) Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác.

4. Kết quả nghiên cứu của đề tài phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:    

– Có ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín;      
– Có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.
– Trường hợp vấn đề nghiên cứu không thể công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, kết quả đề tài phải có ít nhất 01 sách chuyên khảo (đã xuất bản hoặc dưới dạng bản thảo được đánh giá đủ điều kiện để xuất bản) và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.     
* Đối với 02 trường hợp đầu, chủ nhiệm đề tài phải là tác giả của ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín là kết quả của đề tài.

* Đề tài mang tính thăm dò, khám phá, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Hướng dẫn tra cứu Danh mục tạp chí quốc tế uy tín (Theo Quyết định số 224/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 08/11/2017 của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia)

Thông tin chi tiết về các quy định có liên quan đến Chương trình có thể tham khảo Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 về việc quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ, theo địa chỉ: https://nafosted.gov.vn/wp-content/uploads/2018/07/Thong_tu_372014TT-BKHCN.pdf 

V. Hồ sơ đăng ký đề tài (bao gồm hồ sơ điện tử và hồ sơ in trên giấy hoặc hồ sơ điện tử có chữ ký số):

1. Hồ sơ điện tử bắt buộc phải nhập trên hệ thống OMS theo biểu mẫu quy định, bao gồm:

– Đơn đăng ký đề tài NCCB (Mẫu NCCB01; Mẫu NCCB01E) – Khai trực tiếp trên hệ thống;
– Thuyết minh đề cương nghiên cứu (Mẫu NCCB02; Dự toán NCCB02; Mẫu NCCB02E, Dự toán NCCB02E);  
– Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và từng thành viên nhóm nghiên cứu (Mẫu NCCB03; Mẫu NCCB03E) – Khai trực tiếp trên hệ thống;         
– Tài liệu chứng minh thành tích nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài: tối thiểu 01 công bố của Chủ nhiệm đề tài trong 05 năm gần nhất thuộc Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín do Quỹ ban hành.

Link truy cập hệ thống OMS_KHXH&NV:

http://oms.nafosted.gov.vn/oms_ss/account/index.php           

2. Sau khi hoàn thiện đăng ký hồ sơ điện tử trên hệ thống OMS, nhà khoa học có thể gửi hồ sơ tới Quỹ theo một trong hai cách sau:

Cách 1. Gửi hồ sơ in trên giấy (01 bộ tiếng Việt) được ký và xác nhận bằng bút mực xanh dấu đỏ, bao gồm:  
a. 01 đơn đăng ký in từ hệ thống OMS có xác nhận của tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ;

b. Thuyết minh đề cương nghiên cứu kèm dự toán kinh phí (trùng khớp với bản điện tử trên hệ thống) có xác nhận của tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ;

c. Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và từng thành viên nhóm nghiên cứu in từ hệ thống OMS, có chữ ký mực xanh và xác nhận của cơ quan công tác, tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ;

d. Tài liệu chứng minh về việc đào tạo nghiên cứu sinh (bản sao Quyết định về việc công nhận đề tài luận án và người hướng dẫn cho NCS, nếu có)

Ngoài ra, Chủ nhiệm đề tài in 02 bản Phiếu khai Hồ sơ theo mẫu của Quỹ để đối chiếu và giao nhận (Tải mẫu phiếu khai hồ sơ tại đây).

Cách 2. Sử dụng hồ sơ ký số (01 bộ tiếng Việt): Tham khảo hướng dẫn tại đây.

Chú ý: 

– Minh chứng về các công trình công bố của chủ nhiệm đề tài và thành viên nhóm nghiên cứu cần được cập nhật đầy đủ trong lý lịch khoa học trên hệ thống OMS. Chủ nhiệm đề tài phải đảm bảo thông tin hồ sơ tiếng Anh là thống nhất với hồ sơ tiếng Việt. Việc cung cấp không đầy đủ minh chứng có thể dẫn đến việc hồ sơ không đủ điều kiện đánh giá xét chọn hoặc đánh giá không đầy đủ năng lực của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu      
– Hồ sơ điện tử sẽ được sử dụng trong quá trình đánh giá xét chọn.
– Hồ sơ đăng ký đề tài không in từ hệ thống OMS sẽ không được chấp nhận.

– Trong Thuyết minh về kinh phí đề tài: yêu cầu phải ghi đủ 07 mục chi tiết kinh phí; phần kinh phí không sử dụng yêu cầu ghi: 0.

– Hồ sơ bản giấy gửi về Quỹ, bên ngoài ghi rõ: “Hồ sơ đăng ký chương trình NCCB thuộc KHXH&NV”

Vui lòng đọc kỹ  Hướng dẫn sử dụng hệ thống OMS.    
VI. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ           
Văn phòng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia   
P405, Tầng 4, số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội        
Điện thoại hỗ trợ về chuyên môn: 024. 3934 0411/ ext 102, 103, 104, 105 
Điện thoại hỗ trợ về tin học: 024. 3936 7750/ ext 801 – 804  
VII. Kế hoạch thực hiện   
Tiếp nhận hồ sơ: từ 16/9 đến 17h00 ngày 15/10/2019

Rà soát, phân loại hồ sơ: tháng 10/2019

Đánh giá xét chọn: tháng 11-12/2019

Công bố kết quả xét chọn: tháng 01/2020

Thông báo kinh phí: tháng 02/2020

Hoàn chỉnh hồ sơ, ký hợp đồng: tháng 2-3/2020

VIII. Các văn bản liên quan:       
– Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ;       
– Quyết định số 95/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 24/6/2016 của Hội đồng quản lý Quỹ về việc công bố Danh mục Hướng nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn thực hiện từ năm 2016;

– Quyết định số 224/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 08/11/2017 của Hội đồng quản lý Quỹ về việc công bố Danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn;
– Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

– Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKNCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước;

– Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị
– Thông tư liên tịch số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
– Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN ngày 15/5/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định quản lý hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ;

– Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia;

– Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính Quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước;   
– Thông tư số 04/2019/TT-BNV ngày 24/5/2019 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và Hội;

Các văn bản nêu trên có thể xem và tải từ trang Web của Quỹ theo địa chỉ: https://www.nafosted.gov.vn/

IX. Hướng dẫn lập dự toán kinh phí

1. Quỹ hướng dẫn việc áp dụng Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đối với các đề tài NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV do Quỹ tài trợ như sau:       
1.1. Kinh phí công lao động: Được tính dựa trên số ngày công thực hiện của từng thành viên. Ngày công lao động quy đổi 8h/1 ngày; trên 4h được tính 1 ngày công. Một tháng làm việc tương đương 22 ngày công.  

1.2. Chi sửa chữa, mua sắm tài sản cố định: Trong khuôn khổ Chương trình tài trợ NCCB theo quy mô đề tài, Quỹ chỉ tài trợ chi mua sắm các thiết bị nghiên cứu nhỏ, cần thiết, phục vụ trực tiếp hoạt động nghiên cứu của các đề tài. Trong quá trình đánh giá xét chọn, Quỹ ưu tiên xem xét tài trợ các đề tài có tổ chức chủ trì đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đề tài. Việc đề xuất mua sắm trang thiết bị trong khuôn khổ đề tài phải tuân thủ theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2015/BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 của Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chỉ được mua sắm tài sản khi các phương án thuê, điều chuyển tài sản không hiệu quả.

Đối với các khoản mua sắm có đơn giá từ 10 triệu đồng trở lên, đề tài cần cung cấp báo giá.

1.3. Đoàn ra: Không ưu tiên tài trợ trong khuôn khổ đề tài NCCB. Nếu đề tài có nhu cầu, đề nghị thuyết minh nhu cầu và đăng ký Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ Quốc gia theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT/BKHCN ngày 15/5/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

1.4. Đoàn vào: Theo quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính Quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
2. Về việc áp dụng Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hướng dẫn việc khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN:
Để có căn cứ xem xét phê duyệt kinh phí tài trợ áp dụng theo quy định tại Thông tư, đề nghị các chủ nhiệm đề tài đề xuất cụ thể phương thức khoán chi từng phần hay khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong Đơn đăng ký thực hiện đề tài (Mẫu NCCB 01 và NCCB 01E).
Quỹ sẽ xem xét việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho đề tài NCCB nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư số 27/2015/TTLT-BKNCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

X. Một số lưu ý

– Các nhà khoa học đang chủ trì đề tài NCCB do Quỹ tài trợ nộp hồ sơ nghiệm thu đề tài trước ngày 16/9/2019 có thể đăng ký hồ sơ xét chọn đề tài năm 2020 đợt I.

– Tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ phải là tổ chức khoa học và công nghệ có tư cách pháp nhân độc lập, có đăng ký hoạt động khoa học công nghệ, có con dấu và tài khoản 3713 mở tại kho bạc Nhà nước.

– Hồ sơ đề tài phải được xây dựng theo đúng các quy định của Quỹ tại Thông báo này. Hồ sơ không đầy đủ thông tin hoặc không theo biểu mẫu quy định sẽ không được đưa ra xem xét.

 

Nguồn: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Lượt xem: 2598

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)