Thứ hai, 10/06/2019 08:37 GMT+7

Hợp tác nghiên cứu khoa học Việt Nam – I-xra-en: Kêu gọi đề xuất đề tài nghiên cứu chung trong giai đoạn 2021-2023

Bộ Khoa học và Công nghệ I-xra-en

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VIỆT NAM - I-XRA-EN

Kêu gọi đề xuất đề tài nghiên cứu chung

trong giai đoạn 2021-2023

Thời hạn nộp hồ sơ: 10/9/2019

A. Lĩnh vực hợp tác

Bộ Khoa học và Công nghệ I-xra-en (gọi tắt là "Bộ KH&CN I-xra-en") và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (gọi tắt là "Bộ KH&CN Việt Nam") sẽ tài trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu chung do các nhà nghiên cứu Việt Nam và I-xra-en thực hiện. Các nhóm nghiên cứu Việt Nam - I-xra-en được mời gửi đề xuất nghiên cứu chung về chủ đề:

Chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lây truyền qua véc tơ gây bệnh ở người

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh truyền qua véc tơ chiếm hơn 17% tất cả các bệnh truyền nhiễm. Các bệnh này do ký sinh trùng, vi rút hoặc vi khuẩn được truyền qua vết đốt của các loài động vật chân đốt mang mầm bệnh, chẳng hạn như muỗi, mò, bọ ve, bọ chét, muỗi cát. Mỗi năm trên toàn thế giới có hơn 700.000 ca tử vong do các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, Zika virus, rickettsia, Leishmania. Việc kêu gọi đề xuất đề tài nghiên cứu chung là nhằm mục tiêu hướng tới phát triển các công nghệ chẩn đoán mới, giải pháp điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm ở người lây truyền qua véc tơ.

B. Hình thức hợp tác

Việc hợp tác có thể được thực hiện theo các hình thức sau:

• Các hoạt động nghiên cứu chung trong đó có các đề tài nhỏ có liên quan tới nhau trong một đề tài được thực hiện tại  các phòng thí nghiệm của Việt Nam và I-xra-en;

• Các phương pháp tiếp cận có tính bổ sung cho nhau nhằm giải quyết một vấn đề chung;

• Sử dụng chung  các cơ sở nghiên cứu, nguyên vật liệu, trang thiết bị và /hoặc dịch vụ của các nhà khoa học tham gia hợp tác;

Việc gửi hồ sơ đề tài nghiên cứu chung do các nhà nghiên cứu của hai nước thực hiện nhằm mục đích khuyến khích hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và I-xra-en. Mỗi nhóm nghiên cứu chung chỉ có thể gửi một đề tài. Kinh phí sẽ chỉ được cấp cho các đề tài nghiên cứu chung của các nhà nghiên cứu của Việt Nam và I-xra-en.

 

C. Mức tài trợ

Bộ KH&CN I-xra-en sẽ cấp một khoản kinh phí lên đến 180.000 đôla Mỹ cho mỗi đề tài trong 3 năm (60.000 đôla Mỹ mỗi năm/đề tài) cho các chủ nhiệm đề tài của I-xra-en. Bộ KH&CN Việt Nam sẽ cấp tối đa 270.000 đôla Mỹ cho mỗi đề tài trong 3 năm (90.000 đôla Mỹ mỗi năm/đề tài) cho các chủ nhiệm đề tài của Việt Nam.

Hai Bộ KH&CN dự kiến hỗ trợ tối đa 6 đề tài chung. Tuy nhiên, số đề tài cuối cùng được lựa chọn sẽ được đánh giá dựa trên giá trị khoa học của các đề xuất và cân nhắc ngân sách của hai Bộ. Các đề tài nghiên cứu cần có kế hoạch thực hiện trong ba năm.

Kinh phí tài trợ  phụ thuộc vào nguồn và khả năng phân bổ ngân sách của cả hai bên được phê duyệt hàng năm .

Lưu ý: Kêu gọi này do cả hai phía Việt Nam và I-xra-en cùng quyết định và có thể thay đổi hoặc cập nhật định kỳ một số chi tiết.

 

D. Điều kiện tham gia

1. Các đề tài phải do các nhóm nghiên cứu khoa học Việt Nam và I-xra-en hợp tác thực hiện.

2. Mỗi nhóm nghiên cứu phải được chủ trì bởi một Chủ nhiệm đề tài từ mỗi quốc gia.

3. Chủ trì đề tài phải là thành viên của một cơ sở học thuật hoặc nghiên cứu hoặc là giáo sư danh dự đang tiếp tục nghiên cứu trong các học viện hoặc cơ sở nghiên cứu (sau đây gọi là “Tổ chức chủ trì”);

Tại I-xra-en, "Tổ chức chủ trì" phải là thuộc một trong những nhóm sau đây:

a) Một cơ sở giáo dục đại học được công nhận ở I-xra-en (theo Luật về Hội đồng Giáo dục Đại học năm 1958);

b) Một Viện nghiên cứu được công nhận bởi Quỹ Khoa học I-xra-en (ISF);

c) Một Viện nghiên cứu là tổ chức phi lợi nhuận;

d) Một Viện nghiên cứu là một công ty nhà nước hoặc một đơn vị của chính phủ.

Căn cứ vào mục đích của Kêu gọi này, một "Viện nghiên cứu" là một viện có một phần đáng kể hoạt động dành cho thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học tiên tiến, sở hữu cơ sở hạ tầng và thiết bị phù hợp, có các nhà nghiên cứu làm việc tại viện là những người, chưa kể đến các hoạt động khác, xuất bản bài báo khoa học liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu của họ trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, và những người trình bày kết quả nghiên cứu của họ tại các hội nghị chuyên đề quốc tế.

Tại Việt Nam, “tổ chức chủ trì” là tổ chức KH&CN được quy định theo Luật KH&CN Việt Nam năm 2013.

4. Đề tài có thể sử dụng các nhà thầu phụ từ khu vực tư nhân, nếu cần thiết.

5. Mỗi nhà nghiên cứu chỉ có thể đứng tên là chủ nhiệm của một đề tài và có thể là thành viên nghiên cứu của những đề tài khác.

6. Các chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì chịu trách nhiệm về đề tài đối với Bộ chủ trì của nước đó.

7. Các đề xuất được phê duyệt kinh phí, nếu có các thí nghiệm trên động vật, phải trình công văn phê duyệt của Ủy ban/Cơ quan quản lý về các thí nghiệm trên động vật của nước đó trước khi triển khai đề tài.

8. Các đề xuất được phê duyệt kinh phí, nếu có các thí nghiệm liên quan đến con người, phải trình công văn phê duyệt của Ủy ban IRB / Helsinki / (Hội đồng Y Đức) hoặc Hội đồng Y Đức về nghiên cứu Y Sinh tương ứng của mỗi bên trước khi triển khai đề tài.

9. Đối với các đề xuất nghiên cứu bao gồm các thí nghiệm trên sinh vật biến đổi gen và các vi sinh vật có liên quan - phải có sự phê duyệt của Ủy ban/Cơ quan có thẩm quyền  của mỗi bên.

Điều khoản bổ sung

Các nhóm nghiên cứu và các tổ chức chủ trì được khuyến nghị về việc ký thỏa thuận liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ sau khi các đề xuất nghiên cứu của họ được phê duyệt và trước khi triển khai.

E. Gửi đề xuất nghiên cứu

Việc gửi đề xuất nghiên cứu sẽ được thực hiện theo hai bước:

Bước 1: Nộp đề cương đề xuất.

Bước 2: Nộp đề xuất chi tiết, sau khi có kết quả lựa chọn các đề cương đề xuất.

Các đề cương đề xuất phải được các chủ nhiệm đề tài của I-xra-en và Việt Nam gửi song song tới Bộ KH&CN của mỗi nước. Mỗi Chủ nhiệm đề tài cần điền đầy đủ Đơn đăng ký theo quy định tại quốc gia của họ.

Lưu ý: Các đề cương đề xuất theo cùng một mẫu Tiếng Anh (đính kèm) được gửi tới Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN I-xra-en, (đối với phía Việt Nam kèm theo cả bản tiếng Việt theo Mẫu quy định của Thông tư số 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/4/2014 tới Bộ KH&CN Việt Nam).

Hạn nộp hồ sơ

Về phía I-xra-en, Đề cương đề xuất phải được gửi đến địa chỉ email quy định của bên I-xra-en trước 15h00 ngày 10/9/2019 giờ địa phương ("Ngày gửi") và tất cả đề xuất gửi sau ngày và giờ nêu trên đều không được chấp nhận.

Về phía Việt Nam, nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện (tính theo dấu đến của bưu điện) về Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội trước 17h00 ngày 10/9/2019.

Đối với các nhóm nghiên cứu I-xra-en

Chủ nhiệm đề tài phía I-xra-en cần gửi đề cương đề xuất bằng tiếng Anh qua e-mail, sử dụng Mẫu đơn đăng ký đính kèm dưới đây và gửi các tài liệu cần thiết khác tới địa chỉ email: Vietnam@most.gov.il (theo định dạng "pdf" có chữ ký hợp lệ, cùng với một bản sao ở định dạng "doc" không có chữ ký).

Do hạn chế về kỹ thuật, email có dung lượng trên 20MB sẽ không nhận được. Nếu tổng dung lượng của email và tệp đính kèm vượt quá 20 MB, email đó phải được chia nhỏ hơn. Ngay sau khi gửi email, người nộp đơn sẽ nhận được thư trả lời tự động xác nhận email được gửi thành công tới địa chỉ đến. Nếu không nhận được email xác nhận, người nộp đơn cần liên hệ với đầu mối của Bộ KH&CN I-xra-en để đảm bảo email đã được nhận hợp lệ. Người gửi có trách nhiệm kiểm tra việc nhận được email xác nhận dù đó là email trả lời tự động hay xác nhận cá nhân. Để tránh các vấn đề kỹ thuật có thể xảy ra, hồ sơ đăng ký nên được gửi sớm và trước thời hạn nộp hồ sơ.

Hồ sơ đề tài hợp lệ bao gồm: Mẫu đơn đăng ký được điền đầy đủ và có chữ ký, cùng với tất cả các tài liệu cần thiết khác theo yêu cầu của mỗi nước đối với nhóm nghiên cứu chung, được gửi tương ứng cho Bộ KH&CN I-xra-en và Bộ KH&CN Việt Nam. Nếu các đơn đăng ký không được nhận bởi cả Bộ KH&CN I-xra-en và Bộ KH&CN Việt Nam theo ngày và giờ nêu trên, đề tài sẽ không được chấp nhận.

Đối với nhóm nghiên cứu Việt Nam

Hồ sơ đề xuất gồm các tài liệu sau:

a) Đề cương đề xuất (02 loại bằng tiếng Việt và tiếng Anh), đủ chữ ký và dấu của các bên liên quan cùng với tất cả các tài liệu cần thiết khác theo quy định.

b) Công văn do Lãnh đạo bộ, ngành chủ quản hoặc quản lý lĩnh vực liên quan ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cho thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ theo Nghị định thư hợp tác với I-xra-en.

Hồ sơ được gửi trong phòng bì dán kín, bìa ngoài có ghi:

Hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư, Chương trình hợp tác KH&CN giai đoạn 2021-2023 Việt Nam - I-xra-en.

Địa chỉ nhận hồ sơ: Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

F. Chi tiêu kinh phí được tài trợ

Kinh phí cấp theo Kêu gọi đề xuất này được sử dụng nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác chung giữa các nhà khoa học Việt Nam và I-xra-en. Do đó, nguồn kinh phí này sẽ được cấp chủ yếu để hỗ trợ nội dung nghiên cứu trong nước và nội dung hợp tác với nước ngoài. Trong mọi trường hợp, mỗi mục kinh phí hoặc chi phí được yêu cầu thanh toán phải tuân thủ các quy định của quốc gia tương ứng với mỗi người nộp đơn.

Đối với các nhóm nghiên cứu I-xra-en, Bộ KH&CN I-xra-en có thể tài trợ cho các loại chi phí sau đây:

(1) Tiền trợ cấp hoặc tiền lương cho nghiên cứu sinh tiến sĩ, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, kỹ thuật viên và / hoặc nhân viên phòng thí nghiệm (ví dụ: cho vị trí tạm thời có thời hạn đến 2 năm) được tuyển cho mục đích thực hiện đề tài, không bao gồm lương cho nhân viên có biên chế và chủ nhiệm đề tài;

(2) Vật tư tiêu hao. Trong trường hợp vượt quá 1.000 USD, cần có giải thích chi tiết về sự cần thiết và số lượng của vật tư tiêu hao;

(3) Thiết bị quy mô nhỏ chỉ cần cho đề tài nghiên cứu đề xuất; Bộ KH&CN I-xra-en sẽ chỉ cho phép mua máy tính hoặc máy tính xách tay trong trường hợp đặc biệt, tại đó máy tính hoặc máy tính xách tay là một phần của đề tài nghiên cứu hoặc có chức năng cụ thể cần thiết cho việc nghiên cứu.

(4) Chi phí đi lại và tham quan;

(5) Hội thảo và hội nghị chung;

(6) Chi phí khác chiếm tối đa 15% tổng số kinh phí được cấp của đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ Kêu gọi này.

Đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam, Bộ KH&CN Việt Nam có thể cấp kinh phí cho các khoản chi:

A. Công lao động trực tiếp;

B. Nguyên, vật liệu năng lượng;

C. Máy móc, thiết bị quy mô nhỏ;

D. Thuê chuyên gia nước ngoài, trong nước;

E. Đoàn ra/ đoàn vào/ hội nghị, hội thảo quốc tế;

F. Hội thảo, hội nghị chuyên đề;

G. Chi khác.

G. Trao đổi đoàn

Các nhà nghiên cứu tham gia vào đề tài được khuyến khích đến thăm các cơ sở nghiên cứu của đối tác với điều kiện chuyến thăm phải là một phần của hoạt động hợp tác nghiên cứu. Tất cả chi phí đi lại, chỗ ở, công tác phí và các chi phí liên quan khác sẽ được tính vào khoản kinh phí chi cho đề tài đó. (ví dụ: "Tất cả chi phí do cơ quan cử người chi trả"). Kinh phí cấp trong khuôn khổ Thông báo kêu gọi này chỉ có thể được sử dụng cho các chuyến công tác đến cơ quan đối tác ở Việt Nam hoặc I-xra-en.

 

H. Xem xét, đánh giá đề cương đề xuất/đề xuất chi tiết

Các đề xuất nghiên cứu sẽ được mỗi Bộ KH&CN đánh giá độc lập. Sau đó, hai Bộ KH&CN trao đổi, thống nhất về danh sách cuối cùng các đề xuất  sẽ nhận được tài trợ.

Về phía I-xra-en:

Các đề cương đề xuất sẽ được đánh giá theo các tiêu chí đánh giá sau:

1. Chủ đề nghiên cứu phù hợp với chủ đề kêu gọi đề xuất (10%).

2. Giá trị khoa học (30%).

3. Tính mới của đề tài (30%).

4. Mức độ hợp tác giữa nhóm nghiên cứu của Việt Nam và I-xra-en (30%).

Các đề xuất chi tiết sẽ được đánh giá theo các tiêu chí sau:

(1) Tính khoa học của đề tài (20%) - Sự xuất sắc về khoa học và công nghệ, cơ sở khoa học của nghiên cứu.

(2) Tính mới của đề tài (20%) - Tính mới lạ và sáng tạo của đề tài so với các nghiên cứu đã có và liên quan đến kêu gọi đề xuất này.

(3) Phương pháp luận (20%) - Các khái niệm, phân tích và phương pháp luận có được phát triển đầy đủ, tích hợp tốt, có lý luận và phù hợp với mục tiêu của đề tài hay không?

(4) Các khía cạnh ứng dụng của đề xuất (20%) - Đề xuất có tính ứng dụng không? Theo những cách nào? Tác động ​​của nghiên cứu là gì? (Phát triển các hướng khoa học và công nghệ mới, sản phẩm và ứng dụng mới)

(5) Sự phù hợp giữa lý lịch khoa học của các chủ nhiệm đề tài đối với nội dung đề tài (10%) - Chuyên môn và thành tựu của người đề xuất. Khả năng thực hiện nghiên cứu được đề xuất và tiếp cận với các nguồn lực có liên quan.

 (6) Mức độ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu (10%) - Giá trị gia tăng của hợp tác khoa học song phương; mức độ hợp tác thực sự giữa các nhóm nghiên cứu của Việt Nam và I-xra-en

Về phía Việt Nam:

Các đề xuất hợp lệ sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra đánh giá tại các hội đồng theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 Quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.

Các tiêu chí đánh giá đối với đề cương đề xuất bao gồm (tham khảo):

1. Sự phù hợp với một trong các lĩnh vực nghiên cứu được đề cập trong kêu gọi chung;

2. Sự phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu chung;

3.Tính cấp thiết hợp tác với nước ngoài để thực hiện nghiên cứu;

4. Khả năng hình thành nhiệm vụ nghiên cứu dựa trên các tiêu chí về tên gọi, mục tiêu chính, kế hoạch thực hiện, dự kiến kết quả đạt được, năng lực của cơ quan chủ trì phía nước ngoài.

 Nếu đề xuất được đánh giá tốt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ yêu cầu nộp hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu chính sau:

- Thuyết minh chi tiết nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư;

- Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị tham gia đề tài nghiên cứu phía Việt Nam, có đủ chữ ký của tất cả các đối tác tham gia và cơ quan chủ trì;

- Thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác I-xra-en và Việt Nam (bằng tiếng Anh kèm theo bản dịch ra tiếng Việt (có công chứng). Các yêu cầu tối thiểu cho Thỏa thuận hợp tác với các đối tác I-xra-en như sau: Tên đề tài/dự án; Tên của tất cả các đối tác tham gia; Mô tả mục tiêu, nội dung nghiên cứu chính, kết hoạch hợp tác, dự kiến nguồn nhân lực thực hiện, phân công nhiệm vụ giữa các đối tác I-xra-en và Việt Nam, kết quả dự kiến và dự trù kinh phí, nguyên tắc cơ bản của việc cùng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi ích. Ngoài ra còn một số tài liệu hành chính khác. Mọi thông tin về hồ sơ chi tiết sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ: www.most.gov.vn.

Các tiêu chí đánh giá đối với đề cương chi tiết bao gồm (tham khảo):

1. Giá trị khoa học (40 điểm) bao gồm: đánh giá về sự phù hợp, rõ ràng của mục tiêu nghiên cứu, đánh giá về tình hình nghiên cứu, tính cần thiết hợp tác với đối tác nước ngoài, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng, giá trị gia tăng về khoa học và công nghệ.

2. Giá trị hợp tác quốc tế (30 điểm) bao gồm: đóng góp của đối tác nước ngoài, tính rõ ràng, khả thi của nội dung và kế hoạch hợp tác với đối tác nước ngoài đảm bảo việc đạt được kết quả nghiên cứu.

3. Tính khả thi của phương án thực hiện, năng lực tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ của Việt Nam và nước ngoài, tính khả thi về sản phẩm khoa học và khả năng ứng dụng các sản phẩm và tác động của các kết quả nghiên cứu (30 điểm).

J. Hợp đồng, thanh toán và báo cáo

1. Ngày triển khai đề tài dự kiến là vào Quý 1 năm 2021. Ngày hoàn thành dự kiến ​​là ba năm kể từ ngày bắt đầu các đề tài được triển khai.

2. Hợp đồng:

Sau khi một đề tài cụ thể được phê duyệt, phía Việt Nam và I-xra-en sẽ ký các hợp đồng riêng biệt của mỗi nước, giữa Bộ KH&CN I-xra-en với cơ quan chủ trì của I-xra-en và giữa Bộ KH&CN Việt Nam với cơ quan chủ trì của Việt Nam.

3. Tại I-xra-en - về cơ bản, mặc dù hợp đồng được phê duyệt cho khoảng thời gian ba năm, vẫn cần đề nghị gia hạn cho năm thứ hai và năm thứ ba và phải được  Bộ KH&CN I-xra-en phê duyệt. Đơn đề nghị tiếp tục tài trợ nghiên cứu cho năm thứ hai phải điền theo mẫu và được gửi đến Bộ KH&CN I-xra-en bởi cơ quan chủ trì đề tài của I-xra-en ít nhất hai tháng trước khi kết thúc năm đầu tiên của đề tài cùng với báo cáo khoa học hàng năm.

4. Cấp kinh phí:

Bộ KH&CN I-xra-en và Bộ KH&CN Việt Nam sẽ cấp kinh phí  cho cơ quan chủ trì  theo các quy định trong các hợp đồng nêu trên, và theo quy định và thực tiễn ở mỗi quốc gia.

5. Báo cáo

Các báo cáo khoa học và tài chính sẽ được nộp tương ứng cho Bộ KH&CN I-xra-en và Bộ KH&CN Việt Nam bởi các cơ quan chủ trì theo quy định trong hợp đồng nghiên cứu.

K. Điều khoản đặc biệt liên quan đến ứng viên nộp hồ sơ I-xra-en và Việt Nam

Tất cả các thủ tục và hoạt động trong khuôn khổ Kêu gọi này hoặc các đề tài được phê duyệt trong Kêu gọi này, bao gồm cả điều kiện hợp lệ của cơ quan chủ trì nộp đề xuất, phải tuân thủ các Quy trình tiêu chuẩn của Bộ KH&CN I-xra-en và Bộ KH&CN Việt Nam về các đề tài khoa học và học bổng do Bộ KH&CN I-xra-en tài trợ và Mẫu hợp đồng tiêu chuẩn của Bộ KH&CN I-xra-en và Bộ KH&CN Việt Nam dành cho các đề tài khoa học (cả hai văn bản này sau đây gọi là "các quy định tiêu chuẩn").

Các ứng viên được yêu cầu đọc kỹ các quy định của Thông báo kêu gọi này trước khi nộp hồ sơ ; việc nộp hồ sơ được hiểu là ứng viên đã đọc kỹ và đồng ý với các quy định này.

L. Thông tin

Để biết thêm thông tin chi tiết, các ứng viên có thể liên hệ:

Phía I-xra-en

Liên quan tới vấn đề hành chính:

Ông Avi Anati

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Kiểm soát

Điện thoại: 02-5411170 / 173/800/829

E-mail: avi@most.gov.il

 

Bà Yehudith Nathan

Trưởng phòng Châu Á Thái Bình Dương, Vụ Quan hệ quốc tế

Điện thoại: 02-5411145

E-mail: Yehudith@most.gov.il

 

Liên quan tới các vấn đề khoa học:

Tiến sĩ Sharon Yagur-Kroll

Vụ trưởng, Vụ Nghiên cứu Y học

Bộ Khoa học và Công nghệ

Điện thoại: 02-5411862

E-mail: SharonYK@most.gov.il

 

Phía Việt Nam

Chị Tô Mai Trinh

Phó Trưởng phòng Châu Á,  Châu Phi và Châu Mỹ

Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ

113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Tel: +(84-4) 39448901

E-mail: tmtrinh@most.gov.vn

Tệp đính kèm:

Call for  Proposals 2021-2023 Submission by 10 September 2019

Đề cương đề xuất nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư (Tiếng Việt)

Đề cương đề xuất nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư (Tiếng Anh)

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 3761

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)