Thứ sáu, 01/03/2019 14:42 GMT+7

Chương trình hợp tác KH&CN Việt Nam – Italy thông báo kêu gọi đề xuất đề tài/dự án khoa học và công nghệ theo Nghị định thư

Thời gian đóng thông báo: 17h00 ngày 30/5/2019

MỤC TIÊU

Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Italy, ký tại Hà Nội ngày 10.5.1992 và có hiệu lực từ 10.5.1998, Tổng Vụ Xúc tiến hợp tác (kinh tế, văn hóa và khoa học)- Phòng IX thuộc Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy và Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (dưới đây được gọi là các Bên) khởi động Chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2022.

Hai Bên thông báo để các nhà khoa học hai nước gửi đề xuất các đề tài/dự án hợp tác nghiên cứu chung nhằm mục đích khuyến khích sự hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Italy.
 

YÊU CẦU CHUNG

KẾ HOẠCH TÀI TRỢ

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác này, các đề tài/dự án hợp tác nghiên cứu chung sẽ được hai Bên cùng xem xét tài trợ.

LĨNH VỰC HỢP TÁC

Các đề tài/dự án hợp tác phải thuộc một trong các lĩnh vực sau:

- Khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm;

- Công nghệ sinh học và Y tế;

- Môi trường và Biến đổi khí hậu;

- Công nghệ thông tin và truyền thông;                                                                                         

- Công nghệ vật liệu tiên tiến;

- Công nghệ cho Công nghiệp 4.0;

- Vật lý thiên văn; Quan sát không gian và trái đất;

- Bảo tồn và phục chế các di sản văn hóa và thiên nhiên;

TÍNH HỢP LỆ CỦA ĐỀ XUẤT ĐỀ TÀI/DỰ ÁN

Các đơn vị đề xuất phía Việt Nam và phía Italy phải cùng nộp hồ sơ đề xuất cho các cơ quan có thẩm quyền điều phối Chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ của hai bên. Đề tài/dự án chỉ nộp cho một phía, hoặc không thuộc lĩnh vực ưu tiên nêu trên sẽ không được xem xét.

Trước khi đánh giá các đề xuất, các Bên sẽ xem xét tính hợp lệ trên các cơ sở sau đây:

Về phía Italy, Thông báo này mở cho:

a) Các tổ chức nghiên cứu công lập và ngoài công lập;

b) Các doanh nghiệp (ưu tiên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp. Chủ nhiệm đề tài/dự án phải có quốc tịch Italy, hoặc quốc tịch của một quốc gia  EU khác, với điều kiện sinh sống hợp pháp ở Italy và hợp đồng làm việc hiệu lực trong thời gian thực hiện đề tài/dự án với một trong các thực thể nêu tại điểm a) và b).

Về phía Việt Nam, Thông báo này mở cho: Các tổ chức nghiên cứu công lập và ngoài công lập, các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được quy định bởi pháp luật Việt Nam.

YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỀ TÀI/DỰ ÁN

Về phía Italy:

a) Thuyết minh phải được viết bằng tiếng Anh, bao gồm:

- Thông tin chi tiết về chủ nhiệm đề tài và các nhóm nghiên cứu;

- Thông tin chi tiết về các hoạt động nghiên cứu mà các nhóm dự định thực hiện trong khung thời gian của đề tài/dự án;

- Mô tả chi tiết các chi phí cần thiết để thực hiện đề tài/dự án

b) Đề tài/dự án phải có thời gian thực hiện tương đương với thời hạn của Chương trình hợp tác

c) Thư xác nhận được ký bởi đại diện pháp lý của Tổ chức chủ trì. Thư này phải được gửi đúng theo thời hạn kêu gọi, đến địa chỉ sau: progetti.st@esteri.it . Bất kỳ thư hỗ trợ nào khác được viết bởi các tổ chức khác (tổ chức công lập hoặc ngoài công lập) hoặc bởi các công ty tư nhân cũng phải được gửi đến đúng thời hạn kêu gọi tới địa chỉ sau: progetti.st@esteri.it

Về phía Việt Nam:

Đề tài/dự án có thời gian thực hiện từ 2-3 năm.

Hồ sơ đề xuất gồm các tài liệu sau:

a) Đề cương đề xuất đề tài/dự án khoa học và công nghệ theo Nghị định thư viết bằng tiếng Việt (Theo mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo Thông báo này), có đủ chữ ký và dấu của các bên liên quan;

b) Công văn do Lãnh đạo Bộ chủ quản ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cho thực hiện đề tài/dự án khoa học và công nghệ theo Nghị định thư hợp tác với Italy;

Lưu ý đối với cả hai Bên, trong trường hợp các đề tài/dự án liên quan đến sinh vật sống và con người, trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của luật chăm sóc và sử dụng động vật cho mục đích khoa học, bao gồm trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo sự an toàn của động vật được sử dụng. Ngoài ra, cần có sự cho phép của hội đồng y đức của hai bên trong tất cả các nghiên cứu can thiệp (người hoặc động vật).

 

QUY TRÌNH NỘP ĐỀ XUẤT

Về phía Italy:

Chủ nhiệm đề tài/dự án phía Italy cần nộp đề xuất trực tuyến qua địa chỉ trang web: http://web.esteri.it/pgr. Chủ nhiệm đề tài/dự án phía Italy phải nộp thư xác nhận (EL), được ký bởi người đại diện hợp pháp của Tổ chức chủ trì.

Bất cứ yêu cầu gì liên quan đến Thông báo này xin được gửi về địa chỉ: dgsp-09bandi2@esteri.it

Về phía Việt Nam:

Hồ sơ đề xuất đề tài/dự án khoa học và công nghệ theo Nghị định thư hợp tác với Italy được nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

 

ĐÁNH GIÁ VÀ LỰA CHỌN ĐỀ TÀI/DỰ ÁN Ở CẤP ĐỘ QUỐC GIA VÀ SONG PHƯƠNG

Tại thời điểm đóng Thông báo này, tất cả các đề xuất đề tài/dự án nhận được sẽ được kiểm tra về tính hợp lệ. Chỉ các đề xuất được cả hai Bên cho là hợp lệ mới được tiếp tục đưa ra xem xét đánh giá.

Quy trình đánh giá sẽ bao gồm 3 bước: 

BƯỚC 1.

Về phía Italy:

Trước hết, các đề xuất sẽ được đánh giá ở cấp độ quốc gia theo các tiêu chí sau:

- Sự phù hợp với chính sách tài trợ quốc gia

- Nội dung khoa học của đề tài/dự án nghiên cứu

- Năng lực của nhóm nghiên cứu

- Phương pháp luận và tư liệu tổng quan

- Giá trị gia tăng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đối với sự hợp tác song phương                                       

- Sự thích hợp của phạm vi và cấu trúc đề tài/dự án, chất  lượng và tính chặt chẽ của kế hoạch thời gian, công việc và kinh phí của đề tài/dự án cũng như sự phân chia công việc giữa các đối tác.

Về phía Việt Nam:

Quy trình đánh giá đề tài/dự án nghiên cứu chung sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 Quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.

Các đề xuất đề tài/dự án hợp lệ sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra đánh giá tại các hội đồng xác định nhiệm vụ. Nếu đề xuất được đánh giá tốt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ yêu cầu nộp hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu chính sau:

- Thuyết minh chi tiết nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư;

- Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị tham gia đề tài/dự án nghiên cứu phía Việt Nam, có đủ chữ ký của tất cả các đối tác tham gia và cơ quan chủ trì;

- Thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác Italy và Việt Nam (bằng tiếng Anh kèm theo bản dịch ra tiếng Việt)

Các yêu cầu tối thiểu cho Thỏa thuận hợp tác với các đối tác Italy như sau:

- Tên đề tài/dự án;

- Tên của tất cả các đối tác tham gia;

- Mô tả mục tiêu, nội dung nghiên cứu chính, kết hoạch hợp tác, dự kiến nguồn nhân lực thực hiện, phân công nhiệm vụ giữa các đối tác Italy và Việt Nam, kết quả dự kiến và dự trù kinh phí, nguyên tắc cơ bản của việc cùng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi ích.

- Ngoài ra còn một số tài liệu hành chính khác.

Mọi thông tin về hồ sơ chi tiết sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ: www.most.gov.vn.

BƯỚC 2. Hai Bên đề xuất danh sách các nhiệm vụ được lựa chọn để đồng tài trợ.

BƯỚC 3. Tại Phiên họp Ủy ban hỗn hợp, như xác định tại Điều 4 của Hiệp định, hai Bên sẽ thống nhất danh sách các đề tài/dự án được lựa chọn để hai Bên đồng tài trợ. Danh sách này sẽ được đưa vào nội dung của Chương trình hợp tác và sẽ được hai Bên cùng cấp kinh phí từ ngân sách hàng năm của hai nước.

 

LÝ DO TỪ CHỐI

Đề xuất đề tài/dự án có thể bị từ chối vì những lý do sau:

- Không phù hợp với quy định tài chính của phía Việt Nam;

- Hồ sơ không hợp lệ (xem Tính hợp lệ của đề tài/dự án và Yêu cầu đối với đề tài/dự án).);

- Một chủ nhiệm đề tài nộp nhiều hơn 1 đề xuất;

 

CÔNG BỐ KẾT QUẢ

Về phía Italy:

Danh mục các đề tài/dự án được lựa chọn và quy trình cấp kinh phí sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy theo địa chỉ sau:

http://www.esteri.it/mae/it/politica_estera/cooperscientificatecnologica/programmiesecutivi/accordi_programmi_culturali_tecnologici.html. Các chủ nhiệm đề tài/dự án sẽ được thông báo trực tiếp.

Về phía Việt Nam:

Danh mục các đề tài/dự án được lựa chọn sẽ được Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo cho các chủ nhiệm đề tài/dự án.

 

CẤP KINH PHÍ CHO CÁC ĐỀ TÀI/DỰ ÁN ĐƯỢC LỰA CHỌN

Các đề tài/dự án được lựa chọn sẽ được hai Bên cùng cấp kinh phí trong khả năng tài chính hàng năm của mình.

Về phía Italy:

Kinh phí hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy cho các đề tài/dự án được chọn khoảng 50% tổng chi phí của mỗi đề tài/dự án. Do đó, Tổ chức chủ trì phải cam kết tài trợ khoảng một nửa tổng chi phí của đề tài/dự án (có thể bao gồm tài trợ của các tổ chức khác (nếu có)): chi phí này được dùng trả lương cho nghiên cứu viên tại Tổ chức chủ trì (30 đến 45% tổng chi phí đề tài/dự án) và các chi phí gián tiếp (ví dụ: bảo trì cơ sở vật chất và trang thiết bị). Tổ chức chủ trì phải chi trả các chi phí đề tài/dự án thực hiện mỗi năm: họ sẽ chỉ nhận được khoản đồng tài trợ của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy khi xuất trình quyết toán cuối năm với chứng từ về các chi phí của Đơn vị cho dự án/đề tài trong năm đó.

Theo Luật Italy số 401/90, bắt đầu mỗi năm thông báo sẽ được đưa ra bởi, Tổng cục Xúc tiến hợp tác (kinh tế, văn hóa và khoa học), Phòng IX của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế  Italy, mời các Chủ nhiệm đề tài/dự án của Italy trong danh mục Chương trình hợp tác để nộp yêu cầu tài trợ hàng năm.

Chi tiết về Thông báo này sẽ được đăng tải trên trang web:

http://www.esteri.it/mae/it/politica_estera/cooperscientificatecnologica/avvisiincaricobandi.html

Về phía Việt Nam:

Sau khi nhận được thông báo, chủ nhiệm đề tài/dự án được lựa chọn trong Chương trình hợp tác hoàn thiện hồ sơ và gửi về Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định kinh phí theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 Quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư.

 

NỘP HỒ SƠ (về phía Việt Nam):

Hồ sơ được gửi trong phòng bì dán kín, bìa ngoài có ghi:

“Hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư, Chương trình hợp tác KH&CN lần thứ 7 Việt Nam-Italy”

Địa chỉ nhận hồ sơ:

Vụ Hợp tác quốc tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội                                                         

Liên hệ:

Bà Hoàng Hiền Hậu

Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ

113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Tel: +(84-24) 39435376

Fax: +(84-24) 39439987

E-Mail: hhhau@most.gov.vn;


Tệp đính kèm: Mẫu đề cương đề xuất

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 7329

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)