Thứ sáu, 24/11/2017 09:34 GMT+7

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT

Sáng ngày 23/11, tại trụ sở 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 29 điểm cầu tại các địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, các đồng chí Lãnh đạo Bộ BCVT, Bộ TT&TT các thời kỳ, đại diện các Bộ ngành, Sở TT&TT và các Cục, Vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT.
 
Luật CNTT được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một cách toàn diện và đầy đủ về hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Luật CNTT thiết lập hành lang pháp lý thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, sau hơn 10 năm triển khai Luật CNTT, ngành CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trở thành ngành hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện với nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn được ban hành. Hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và xã hội. Ứng dụng CNTT được đẩy mạnh và gắn chặt với cải cách hành chính, từng bước hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật CNTT, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới, chúng ta cần phải xác định những tồn tại, hạn chế trong việc thực thi Luật CNTT, từ đó đưa ra những đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội để  điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xây dựng môi trường pháp lý phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng chính là tinh thần của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006, Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, thế giới có những đánh giá cao đối với sự phát triển CNTT của Việt Nam. Trong 10 năm qua, 4 trụ cột của ngành CNTT nước ta từ hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng, công nghiệp CNTT phát triển hơn mức trung bình chung của các ngành. Tuy nhiên, trong 4 trụ cột này, ngoại trừ ngành công nghiệp CNTT với sự góp mặt của các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung là đạt được sự phát triển đột phá mạnh mẽ hơn, còn lại nhìn chung CNTT Việt Nam còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Về kinh tế Việt Nam phát triển tính theo GDP bình quân đầu người đứng ở mức 120 của thế giới, vẫn xếp ở nhóm có mức thu nhập trung bình thấp. Về các mặt CNTT từ hạ tầng tới đào tạo có thứ hạng khá hơn ở mức 80.
 
Phó Thủ tướng nhận định, trong 10 năm qua bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Luật CNTT cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Vướng ở đây có phải do Luật CNTT không? Hay còn do nhiều thứ khác. Do đó, khi thực hiện đánh giá Luật CNTT, phải nhìn nhận theo hướng đặt kết quả phát triển CNTT với đánh giá toàn diện các hệ thống pháp luật chung có liên quan đến CNTT để có cái nhìn toàn diện hơn.
 
Đối với việc thuê dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ CNTT, không phải là thuê máy, thuê phần mềm mà là thuê dịch vụ cuối cùng. Cần phải bỏ ngay cách nghĩ “thuê doanh nghiệp làm thì không đảm bảo an ninh”. Muốn đảm bảo an toàn thông tin, cần phải đưa đầu bài ngay khi bắt đầu thuê dịch vụ CNTT. Hiện nay việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng vướng nhất vẫn là tư tưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Liên quan đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, đừng lấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu làm mục tiêu chính.Thực chất, xây dựng cơ sở dữ liệu là để phục vụ cho mục tiêu quản lý. Dữ liệu không được kết nối, chia sẻ là dữ liệu chết, dữ liệu manh mún. Dữ liệu được kết nối, được chia sẻ sẽ là nguồn tài nguyên quý giá. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KHCN xây dựng Đề án kết nối dữ liệu tất cả các Bộ, ngành, địa phương.
 
Về nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến đổi mới mạnh mẽ đào tạo về CNTT. Sẽ đồng ý cho các kỹ sư đang làm tại các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chuẩn sẽ được đánh giá như là giáo viên tham gia vào công tác đào tạo cho sinh viên các trường đại học để giảm bớt sự hàn lâm. Các doanh nghiệp và Hiệp hội phải có trách nhiệm tham gia hoạt động này.
 
Đối với những đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật CNTT, Phó Thủ tướng chỉ đạo, nên tiếp cận theo xu thế chung là trên cơ sở đã có luật cơ bản, có nền khung rồi, thì tiến tới các luật chuyên sâu hơn. Luật càng chuyên sâu thì khi cần chỉnh sửa, điều chỉnh sẽ thuận tiện hơn, đồng thời, cần nghiên cứu các xu thế phát triển mới của ngành CNTT để đưa vào trong Luật.
 
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
 
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong thời gian tới.
 
Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị của Bộ ngay sau Hội nghị này cần nghiên cứu về định hướng phát triển công nghệ để đưa ra các chính sách quản lý Nhà nước phù hợp xu thế phát triển chung trên toàn thế giới. Quản lý phải bắt kịp sự phát triển của CNTT, phải tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho cộng đồng CNTT trong hoạt động ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT.
 
Bộ TT&TT sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.
 
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CNTT-TT, trước mắt, cần tập trung vào hai lĩnh vực là ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT. Các đơn vị tham mưu của Bộ TT&TT tiếp thu các ý kiến góp ý, đặc biệt là các ý kiến của diễn giả, đại biểu, chuyên gia trong Hội nghị này để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đề xuất bắt đầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ngay trong năm 2018, Bộ trưởng chỉ đạo.
 
Tại Hội nghị, đã diễn ra Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các Sở TT&TT, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhằm xác định rõ hơn phương hướng hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về CNTT-TT trong thời gian tới.
 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 29 tập thể vì đã có những thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Luật CNTT.

 

Nguồn: http://mic.gov.vn

Lượt xem: 2960

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)