Thứ tư, 06/05/2015 09:31 GMT+7

Chương trình cấp Quốc gia về Khoa học giáo dục "Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam”

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 05/5/2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BKHCN phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam” ”, Mã số: KHGD/16-20.


I. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học giáo dục, góp phần giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo Việt Nam.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Phát triển khoa học giáo dục Việt Nam tiếp cận trình độ khoa học giáo dục thế giới đáp ứng yêu cầu của sự phát triển giáo dục - đào tạo trong giai đoạn tới;
1.2.2. Cung cấp luận cứ khoa học cho việc đổi mới quá trình giáo dục - đào tạo và quản lý giáo dục - đào tạo;
1.2.3. Xây dựng được các phương pháp luận, các tiêu chí và chỉ số thống kê của một số dữ liệu giáo dục cơ bản của Việt Nam.

II. Nội dung nghiên cứu

2.1. Nghiên cứu lý luận nhằm đổi mới cơ bản khoa học giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, lấy nghiên cứu dựa trên minh chứng làm nền tảng, phù hợp với đặc điểm Việt Nam và tiệm cận với trình độ khoa học giáo dục thế giới

2.1.1. Nghiên cứu lý luận giáo dục học của các cấp học, ngành học và trình độ đào tạo (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên) làm nền tảng lý luận cho sự phát triển chương trình giáo dục các cấp học, ngành học, trình độ đào tạo.
2.1.2. Nghiên cứu phát triển các chuyên ngành của khoa học giáo dục làm nền tảng lý luận cho các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và các chính sách phát triển giáo dục.
2.1.3. Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển những tư tưởng giáo dục trong lịch sử nước ta qua các thời đại và so sánh với các tư tưởng giáo dục quốc tế; đề xuất một số nội dung cơ bản của tư tưởng /triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại.

2.2. Nghiên cứu xác định luận cứ khoa học và thực tiễn cho đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục - đào tạo, đổi mới quản lý giáo dục đào tạo trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế

2.2.1. Nghiên cứu đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục - đào tạo:

- Về hệ thống chuẩn giáo dục các cấp học, ngành học, trình độ đào tạo (chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, chuẩn điều kiện cơ sở vật chất,…).

- Về đổi mới nội dung, phương pháp, thiết bị dạy học, hình thức tổ chức dạy học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực người học ở các cấp học, ngành học và trình độ đào tạo;

- Về đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục thường xuyên trên lớp, thi, công nhận tốt nghiệp giáo dục phổ thông, tuyển sinh vào đại học và kiểm định chất lượng giáo dục;

- Về mô hình hạ tầng cơ sở giáo dục - đào tạo (trường lớp, trang thiết bị, học liệu, công nghệ thông tin,…) đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Chú ý giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp;

- Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo;

- Về các chương trình và phương thức giáo dục - đào tạo cho các đối tượng đặc biệt (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có năng khiếu, nhân tài…).

2.2.2. Nghiên cứu đổi mới các yếu tố cơ bản của quản lý giáo dục - đào tạo trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế:

- Về bản chất, đặc điểm của nền giáo dục mới trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế;

- Về cơ cấu hệ thống và phương thức quản lý giáo dục quốc dân đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực quốc gia, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế phát triển giáo dục thế giới;

- Về mô hình, cơ cấu tổ chức nhà trường trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học theo hướng có đủ năng lực để triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; Về mô hình tự chủ cho giáo dục đại học;

- Về cơ chế giám sát nhà nước, giám sát của xã hội đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo và hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo;

- Về mối quan hệ giữa phát triển giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế;

- Áp dụng các quy luật phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế để xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa quốc gia;

2.3. Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho việc xây dựng hệ tiêu chí - chỉ số thống kê của một số dữ liệu giáo dục cơ bản

2.3.1. Nghiên cứu đề xuất quy trình cập nhật hệ thống tiêu chí, chỉ số thống kê tương thích với thế giới phục vụ xây dựng niên giám thống kê giáo dục và hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS).
2.3.2. Nghiên cứu phương pháp luận, hướng dẫn xác định và cập nhật những chỉ số căn bản của giáo dục - đào tạo Việt Nam, bao gồm: chỉ số phát triển thể chất, tâm lý của lứa tuổi học sinh, chỉ số học tập suốt đời, chi phí đơn vị của giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo.

2.3.3. Nghiên cứu các chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục và quy trình khảo sát điều tra xã hội học về các chính sách giáo dục.

III. Sản phẩm chủ yếu

3.1. Sản phẩm khoa học
- Từ điển Khoa học giáo dục
- Bản thảo của các chuyên khảo về các vấn đề nghiên cứu chứa đựng đầy đủ các nội dung nghiên cứu, các kết quả triển khai pilot trong thực tiễn tại các cơ sở giáo dục...
- Đề xuất với Đảng và Nhà nước dưới dạng các dự thảo văn bản nghị quyết, quyết định, thông tư hướng dẫn... về các giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị TW 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

3.2. Cơ sở dữ liệu về hệ tiêu chí và chỉ số thống kê

- Hệ thống tư liệu khoa học giáo dục thế giới (tổng quan, dịch thuật).
- Hệ thống dữ liệu khoa học giáo dục Việt Nam
- Hệ thống và quy trình cập nhật hệ thống tiêu chí, chỉ số thống kê tương thích với thế giới phục vụ xây dựng niên giám thống kê giáo dục và hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS).
- Bộ tài liệu hướng dẫn phương pháp, kĩ thuật điều tra xác định và bộ tài liệu cập nhật những chỉ số căn bản của giáo dục - đào tạo Việt Nam như: chỉ số phát triển thể chất, tâm lý của học sinh lứa tuổi, chỉ số học tập suốt đời …, chi phí đơn vị của giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo
- Bộ tài liệu hướng dẫn xác định các chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục, quy trình khảo sát điều tra xã hội học về các chính sách giáo dục.
- Bộ tài liệu hướng dẫn phương pháp, kĩ thuật và công cụ đánh giá trong giáo dục: đánh giá giáo dục trên diện rộng; đánh giá quốc gia, quốc tế; đo lường đánh giá kết quả giáo dục, năng lực người học….

3.3. Sản phấm công bố và đào tạo

- Hệ thống bài báo khoa học được trên các tạp chí trong nước và quốc tế;
- Kết quả đào tạo đại học, sau đại học với nội dung có liên quan đến các vấn đề nghiên cứu của Chương trình.

Tệp đính kèm:

Quyết định số 888/QĐ-BKHCN ngày 05/5/2015

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên

Lượt xem: 7175

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)