Tại Hội nghị sáng 31/3, Hội đồng KH&CN đánh giá đề án của trường Cao đẳng Vietronics. Ban chủ nhiệm đề án làm rõ 2 nội dung chính: thực trạng đào tạo và kế hoạch tổ chức đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, tài năng, chất lượng cao. 3 chuyên ngành chính được đề cập đến là: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa. Căn cứ vào tiềm lực của nhà trường, kết quả đào tạo, nhu cầu của doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển của thành phố, đề án định hướng lựa chọn đối tượng đào tạo từ khâu đầu vào, qua quá trình đào tạo đặc biệt để đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng linh hoạt yêu cầu thực tiễn. Phương pháp dạy học theo dự án và mô hình đào tạo “2+1” (người học là chủ thể và gắn liền nhà trường với doanh nghiệp) được chú trọng trong kế hoạch đào tạo này.
Hội đồng khoa học đánh giá cao tính khả thi của đề án, cũng như cách tiếp cận khoa học… nhưng cũng cho rằng, quy định chuẩn đầu ra nên cụ thể hơn; xem lại cơ cấu nguồn vốn; có kế hoạch khảo sát thêm các trường có cùng ngành nghề đào tạo để đánh giá được khách quan hơn…
Ban chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng đánh giá để hoàn thiện đề án với mong muốn đề án sớm được triển khai trong thực tiễn.
Buổi chiều cùng ngày, Hội đồng KH&CN đánh giá đề án của Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố.
Đề án đã tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã (HTX) hiện nay trên địa bàn thành phố; nghiên cứu, đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này trong từng giai đoạn từ 2015-2020.
Theo điều tra khảo sát, toàn thành phố hiện có 328 HTX, liên hiệp HTX và qũy tín dụng được chia thành nhiều ngành nghề khác nhau. Đề án xác định trong giai đoạn từ 2015-2020 đào tạo, bồi dưỡng cho 3.280 cán bộ quản lý HTX có trình độ đa dạng, từ sơ cấp đến sau đại học, với 2 hình thức: đào tạo trung và dài hạn và bồi dưỡng ngắn hạn. Đối với hình thức đào tạo trung và dài hạn (đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng), cán bộ được đào tạo tập trung tại các trường thuộc hệ thống đào tạo của các bộ, ngành, Liên minh HTX Việt Nam tại Hà Nội và Hải Phòng. Bồi dưỡng ngắn hạn được tổ chức tại các địa phương, đào tạo theo chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng…
Tại Hội nghị, các đại biểu ghi nhận nỗ lực của Ban chủ nhiệm đề án trong việc nghiên cứu xây dựng đề án này, đồng thời đưa ra một vài góp ý nhằm tăng cường tính khả thi cho đề án. Cụ thể, đề án cần nêu bật hơn nữa thực trạng quản lý, hoạt động của các HTX trong thời gian qua nhằm làm rõ tính cấp thiết của việc bồi dưỡng, đào tạo; cần phân chia rõ lượng kiến thức lý thuyết và thực hành; đào tạo nên phân theo lĩnh vực hoạt động của HTX, phân theo độ tuổi và trình độ của học viên.
Ban chủ nhiệm đề án tiếp thu các ý kiến của hội đồng đánh giá để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung trước khi trình UBND thành phố xem xét phê duyệt để triển khai trong thực tiễn./.