Thứ sáu, 06/11/2020 10:02 GMT+7

Chung tay thực hiện chuyển đổi số

Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, lãnh đạo thành phố luôn mong muốn, lắng nghe những ý kiến tâm huyết, sự hỗ trợ quý báu của bà con kiều bào giúp thành phố thực hiện thành công chuyển đổi số, xây dựng chính quyền thông minh.


Đoàn kiều bào tham quan một số mô hình sáng tạo trong Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12)

 

Trân trọng nguồn lực kiều bào

Tại hội nghị này, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định: Tiếp bước những nhân sĩ, trí thức yêu nước thuộc thế hệ thứ nhất, lớp trí thức thế hệ thứ hai cũng đang đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước. Với sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng gần 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước; trong đó, 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, bao gồm 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, chế tạo máy, sinh học…, chúng ta có thể biến "nguy" thành "cơ" và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển dân tộc. Phó Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào đóng góp ý kiến để TP Hồ Chí Minh đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự góp sức của bà con kiều bào, thành phố và cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt mọi thời cơ để vươn lên mạnh mẽ và phát triển phồn vinh.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, thành phố mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của bà con kiều bào đối với những vấn đề trọng tâm của đất nước về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CÐS) mà Chính phủ đã đặt ra nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19. Ðồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ðặc biệt, những ý kiến tư vấn của giới trí thức, doanh nhân, kiều bào sẽ tạo động lực mới cho giai đoạn phát triển sắp tới của thành phố, đưa thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Ðông - Nam Á. Theo nhận định của GS Trần Ngọc Anh (kiều bào ở Mỹ), sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động cùng với tác động của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng... đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam về thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu. Với hàng trăm kiều bào là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đang làm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia, cơ quan quản lý Việt Nam có thể khai thác được những ý kiến đóng góp của họ để xây dựng chiến lược cụ thể cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong nước.

Sẵn sàng chuyển đổi số

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu thực hiện mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện bình thường mới. Thành phố có khát vọng thực hiện nhanh, đi đầu trong CÐS, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, nâng cao chất lượng sống của người dân, vì hạnh phúc nhân dân và đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Trên cơ sở đó, tháng 7-2020, UBND thành phố đã phê duyệt Chương trình CÐS, tầm nhìn đến năm 2030 thành phố trở thành đô thị thông minh với sự thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Trong đó, thành phố tập trung CÐS trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực… Chương trình CÐS của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình CÐS, thành phố quy hoạch và xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố gồm các quận 2, 9 và Thủ Ðức đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Vừa qua, thành phố đã triển khai xây dựng Không gian sáng tạo và trải nghiệm CÐS. Công trình này nhằm tạo ra không gian để người dân tham quan, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ðồng thời, tạo khu vực trưng bày cho các DN công nghệ trình diễn các sản phẩm công nghệ số phục vụ Chương trình CÐS của thành phố. Ông Nguyễn Hữu Lệ (Việt kiều ở Ô-xtrây-li-a), Chủ tịch HÐQT Công ty phần mềm TMA Solution cho biết: "Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh có nhiều chính sách hỗ trợ DN trong Công viên phần mềm Quang Trung phát triển. Từ đây, chúng tôi có cơ hội đóng góp cho thành phố xây dựng đô thị thông minh. Chúng tôi có lực lượng chuyên gia công nghệ thông tin rất lớn và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để triển khai đô thị thông minh như quản lý giao thông, chăm sóc sức khỏe… Hiện thành phố không thiếu nguồn lực, có hạ tầng in-tơ-nét rất tốt, sắp tới còn có thêm ứng dụng 5G, cho nên thành phố có mức độ sẵn sàng xây dựng đô thị thông minh rất cao. Vấn đề khó khăn đối với DN chỉ là thủ tục hành chính và giấy phép, do đó rất cần sự hỗ trợ của thành phố. Là một trong những DN công nghệ hàng đầu Việt Nam, chúng tôi có cơ hội làm việc với thành phố và các đối tác khác để bắt đầu triển khai những công nghệ cần thiết xây dựng đô thị thông minh".

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Dịch Covid-19 là thảm họa với thế giới nhưng cho chúng ta thời cơ để tăng cường nội lực mà không chịu áp lực cạnh tranh với quốc tế như bình thường. Chúng ta cần tận dụng cơ hội triển khai số hóa quyết liệt trong khoảng một năm tới. Ðồng chí lưu ý: Việc số hóa dữ liệu cần phải thực hiện khẩn trương hơn nữa trên hai nguyên tắc: chi phí thấp và hỗ trợ tài chính với rủi ro thấp để thúc đẩy phát triển bền vững.

Liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/chung-tay-thuc-hien-chuyen-doi-so-623004/

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 979

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)