Thứ năm, 14/11/2024 05:24 GMT+7
Thứ năm, 20/03/2014 11:14 GMT+7

Tăng cường quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng

Trong thời gian gần đây tình hình vi phạm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đang có những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh. Cũng có nhiều nguyên nhân được xác định dẫn tới thực tế này, song hơn ai hết các doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phải có những nhận thức đúng đắn, cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các vi phạm để bảo vệ chính quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1. Thực trạng về vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa


Theo các báo cáo của Thanh tra Khoa học và Công nghệ, từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng của Ngành đã thanh tra, kiểm tra 26.281 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã phát hiện và xử lý 3.438 cơ sở vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm là trên 14 tỷ đồng, truy thu 833 triệu đồng tiền thu lợi bất hợp pháp. Nhiều nhóm mặt hàng có ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng như xăng dầu, hàng đóng gói sẵn, thiết bị điện điện tử, đồ chơi trẻ em đã được tăng cường thanh tra với quy mô lớn trên toàn quốc và cũng đã phát hiện còn xảy ra nhiều vi phạm mặc dù lực lượng chức năng đã thường xuyên vào cuộc xử lý bằng nhiều biện pháp nghiêm khắc. Có thể thấy thông qua các con số báo cáo cụ thể các đợt thanh tra chuyên đề hàng năm như:


Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát động toàn ngành thanh tra chuyên đề, diện rộng trên toàn quốc việc thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm thiết bị điện, điện tử được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Tổng số cơ sở được thanh tra trong toàn đợt là 2.265 cơ sở, trong đó có 111 cơ sở sản xuất (chiếm tỷ lệ 4,9%), 2.129 cơ sở buôn bán (chiếm 94,0%), 25 cơ sở nhập khẩu (chiếm 1,1%).

Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt  đối với 654 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực này (chiếm 28,9% cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền trên 551 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu được phát hiện qua đợt thanh tra là vi phạm về ghi nhãn hàng hóa (chiếm 66,8%), vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa (chiếm 29,8% %).


Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chỉ đạo thanh tra diện rộng về đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ đối với khí dầu mỏ, hóa lỏng và xăng dầu; tổng số cơ sở kinh doanh xăng, dầu được thanh tra là 5.278, đã phát hiện và xử lý 678 trường hợp vi phạm về đo lường, chất lượng và một số hành vi khác đối với mặt hàng xăng dầu, toàn Ngành đã xử phạt và thu về ngân sách gần 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra các cơ quan thanh tra đã xử phạt tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 56 cơ sở, tước quyền sử dụng 10 giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo, tịch thu 13 cột đo nhiên liệu, đình chỉ hoạt động 32 cột đo, đình chỉ hoạt động kinh doanh của 03 cơ sở kinh doanh xăng dầu, đình chỉ lưu thông 505 bình gas, buộc khắc phục đủ định lượng trước khi lưu thông trở lại và tịch thu 600 lít xăng dầu.


Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo tổ chức triển khai thanh tra diện rộng chuyên đề đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng đồ chơi trẻ em, đã có 1.708 cơ sở được thanh tra (có 41 cơ sở sản xuất, 18 cơ sở nhập khẩu và 1.649 cơ sở buôn bán) và có 234 mẫu sản phẩm được thử nghiệm các chỉ tiêu an toàn đối với đồ chơi trẻ em (theo Quy chuẩn 3:2009). Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 672 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (chiếm 39,3% số cơ sở được thanh tra) và có 23 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 9,8%) tổng số mẫu thử nghiệm.


Các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa đã và đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho người tiêu dùng (đến tài sản, sức khỏe và tính mạng con người), cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, giảm uy tín quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

 

 

2. Một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay

 


(i) Việc buôn bán các sản phẩm kém chất lượng hoặc gian lận trong đo lường đối với sản phẩm (ví dụ gian lận trong cân đong, đo, đếm hàng đóng gói sẵn, xăng dầu…) thường tạo ra lợi nhuận lớn, nên thu hút nhiều đối tượng tham gia;


(ii) Rất nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài đưa vào nội địa nhưng còn thiếu kiểm soát chặt chẽ;


(iii) Lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát quá mỏng và các nguồn lực nhằm phục vụ cho hoạt động này còn rất hạn chế;

 

(iv) Có sự chồng chéo, chưa thống nhất giữa các quy định pháp luật trong viêc xử lý các vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa dẫn đến sự lúng túng trong việc xử lý của các cơ quan chức năng;

 

(v) Hiểu biết, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, chưa ý thức được hậu quả của việc tiêu dùng, sử dụng những sản phẩm kém chất lượng đến sức khỏe, tính mạng cho chính bản thân và cộng đồng.

 

 

3. Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường, chất sản phẩm hàng hóa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

 

 

Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng cần sớm thực hiện một số giải pháp sau:


Thứ nhất, tiếp tục phải nghiên cứu xây dựng các chế tài mạnh để răn đe và xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng có nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Tháo gỡ một số chồng chéo giữa các quy định pháp luật tạo sự thống nhất trong việc áp dụng (ví dụ như hiện nay đang có chồng chéo nhau giữa Điều 10 và Điều 20 của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa với Điều 22 và Điều 23 của Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng;


Thứ hai, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, an toàn. Cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng các công nghệ và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các sản phẩm chính hãng.


Thứ ba, tăng cường nhân lực, bố trí đủ nguồn lực cho các lực lượng chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm hàng hóa.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, phát hiện xử lý kịp thời, kiên quyết và công khai trên trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, cơ sản xuất, kinh doanh, những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, gian lận, lừa dối người tiêu dùng để công chúng nhận biết, cảnh giác, phát hiện và báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời./.

 

Lượt xem: 21575

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:13028
Lượt truy cập: 12720548