Nội dung vụ việc:
Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Cửa cuốn Tiến Thịnh (Công ty Tiến Thịnh) là chủ sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 551 ngày 11/07/2006 bảo hộ giải pháp kỹ thuật “Cửa cuốn” (theo Giấy chứng nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ số 3532/ĐKHĐSH ngày 30/7/2008).
Ngày 25/6/2009, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được Đơn yêu cầu của Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và Chất lượng, đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của Công ty Tiến Thịnh đề nghị thanh tra và xử lý Công ty TNHH Lộc Trường Xuân và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng vì có hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ để bán sản phẩm thanh nan cửa cuốn dạng hộp gắn dấu hiệu xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích “Cửa cuốn” đang được bảo hộ cho Công ty Tiến Thịnh.
Ngày 15/7/2009, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 37/QĐ-TTra và số 38/QĐ-TTra để tiến hành thanh tra việc sản xuất, buôn bán các sản phẩm cửa cuốn gắn dấu hiệu xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích “Cửa cuốn”. Đoàn Thanh tra đã phát hiện Công ty TNHH Lộc Trường Xuân đang tàng trữ 2.327kg sản phẩm thanh nan cửa cuốn dạng hộp; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng đang buôn bán 168 kg thanh nan cửa cuốn dạng hộp có các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật tương tự đối với giải pháp hữu ích “Cửa cuốn” được bảo hộ cho Công ty Tiến Thịnh.
Vấn đề:
Xác định việc sử dụng các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật trên các sản phẩm thanh nan cửa cuốn dạng hộp của Công ty TNHH Lộc Trường Xuân và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với giải pháp hữu ích “Cửa cuốn” đang được bảo hộ độc quyền theo BĐQGPHI số 551 hay không?
Kết luận và quyết định xử lý:
Xem xét việc sử dụng các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật trên các sản phẩm thanh nan cửa cuốn dạng hộp của Công ty TNHH Lộc Trường Xuân và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng:
Sản phẩm thanh nan cửa cuốn dạng hộp của Công ty TNHH Lộc Trường Xuân và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng đều có các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật trùng với các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được xác định trong các điểm Yêu cầu bảo hộ 1, 2, 3, 4, 6 của BĐQGPHI số 551. Như vậy, Công ty TNHH Lộc Trường Xuân đã có hành vi vi phạm hành chính về SHCN theo quy định tại khoản 4 Điều 12 của Nghị định 106/2006/NĐ-CP; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định 106/2006/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Ngày 14/9/2009, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 103/QĐ-TTra xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Lượng với số tiền 8.400.000 đồng, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm gắn trên 168kg sản phẩm thanh nan cửa cuốn dạng hộp.
Ngày 14/10/2009, Thanh tra Bộ KH&CN đã có Công văn số 276/TTra thông báo không xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Công ty TNHH Lộc Trường Xuân vì hai bên đã đạt được thoả thuận giải quyết vụ việc theo nội dung Biên bản thoả thuận lập hồi 9h30 ngày 02/10/2009 (căn cứ khoản 5 Điều 21Nghị định 106/2006/NĐ-CP).
Phân tích, bình luận:
Khi đánh giá tính trùng hoặc tương tự của giải pháp hữu ích cần lưu ý đến các dấu hiệu kỹ thuật được xác định trong các điểm yêu cầu bảo hộ của Giải pháp hữu ích.
Công ty Tiến Thịnh đã đề nghị không xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Công ty TNHH Lộc Trường Xuân vì hai bên đã tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc, do đó căn cứ khoản 5 Điều 21Nghị định 106/2006/NĐ-CP, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ không xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghệ đối với Công ty TNHH Lộc Trường Xuân