Thứ tư, 15/01/2025 13:15 GMT+7
Điều 5.D.3.30: Từ chối, dừng xử lý vi phạm

(Điều 30, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010)

 

1. Cơ quan xử lý vi phạm phải từ chối xử lý vi phạm trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn yêu cầu xử lý vi phạm được nộp khi đang có tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp liên quan;

b) Người yêu cầu xử lý vi phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý vi phạm về giải trình, bổ sung chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và chứng minh vi phạm theo quy định tại Điều 5.D.3.27 khoản (2)(b) của Chương này;

c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5.C.1.10 khoản (1) của Phần này;

d) Kết quả xác minh của cơ quan xử lý vi phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có vi phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm;

đ) Có kết luận, quyết định hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ để tiến hành thủ tục xử lý vi phạm;

e) Hành vi không bị coi là vi phạm theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hoặc không bị xử phạt hành chính theo quy định của Chương này.

2. Người thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm phải dừng thủ tục xử lý vi phạm trong các trường hợp sau đây:

a) Có phát sinh khiếu nại, tố cáo, tranh chấp sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm và phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5.D.3.29 khoản (1) của Chương này;

b) Người nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm có văn bản rút yêu cầu xử lý vi phạm;

c) Các bên tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 5.D.3.29 khoản (2) của Chương này.

3. Trường hợp hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem, nhãn, vật phẩm khác mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn tiến hành thủ tục xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm đó, mặc dù nhận được thông báo rút yêu cầu xử lý vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Khách online:25792
Lượt truy cập: 12844605