Các địa phương sẵn sàng liên thông hệ thống QLVB điện tử

Thứ hai, 16/01/2017 14:27 GMT+7

Việc kết nối hệ thống văn bản điện tử từ các bộ, ngành, tỉnh thành phố đến Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã hoàn tất về kỹ thuật, công nghệ; đảm bảo an toàn, không quá tải với hệ thống; các địa phương đã sẵn sàng liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử tới VPCP.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin cho biết như vậy tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2016.

Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử giao VPCP phải liên thông được toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ trung ương đến địa phương và ngược lại), đảm bảo thông suốt từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.

Về nhiệm vụ này, theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, VPCP đang làm và đã có kết quả, lần đầu tiên kết nối thành công hệ thống quản lý văn bản điện tử 63 tỉnh thành, 30 bộ ngành đến VPCP với sự tham gia tích cực của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn trong quá trình thực hiện như các phần mềm, công nghệ, quy trình khác nhau nên việc kết nối cũng không dễ.

VPCP đã chính thức liên thông (gửi/nhận) văn bản điện tử với UBND thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan. Trong thời gian tới, VPCP sẽ mở rộng liên thông văn bản điện tử tới các bộ, ngành, địa phương.

"Kết nối như mắc dây điện các điểm với nhau, còn liên thông như là cho điện chạy. Hiện nay, điện mới chỉ chạy từ thành phố Hồ Chí Minh đến VPCP và ngược lại. Bước này rất quan trọng, thời gian tới sẽ mở rộng kết nối các hệ thống khác như đất đai, dân cư...", Phó Chủ nhiệm ví dụ.

Một trong các bất cập được Phó Chủ nhiệm VPCP chỉ ra là hiện nay các bộ khi triển khai các cơ sở dữ liệu ví dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hộ tịch, dân cư nhưng không tính đến hệ thống đang có của các địa phương và đã dẫn đến tình trạng cơ sở dữ liệu đó không liên thông được giữa bộ và địa phương. Thời gian tới, VPCP sẽ phối hợp với các bộ khắc phục vấn đề này.

Bên cạnh đó, VPCP sẽ hệ thống lại các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin mà các bộ đã được phê duyệt, trong đó có những hệ thống không liên thông, trùng lặp. "Nếu không hệ thống lại một cách kỹ càng sẽ gây lãng phí rất lớn, trong khi nguồn lực cho CNTT còn hạn chế và ảnh hưởng đến việc xây dựng Chính phủ điện tử", Phó Chủ nhiệm lo ngại.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo

Thảo luận về nhận thức cũng như vai trò của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, các đại biểu đều cho rằng vai trò của người đứng đầu các cơ quan là rất quan trọng.

"Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo sát sao việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đây là cơ hội "vàng" để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử", Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà chia sẻ.

Phó Chủ nhiệm VPCP cho rằng không phải số nhiều cấp trưởng các cơ quan nhà nước đánh giá đúng vị trí, vai trò của việc ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT sẽ khác rất nhiều nếu người đứng đầu các bộ ngành, địa phương quan tâm đúng mức.

Đồng quan điểm, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội chia sẻ, để triển khai ứng dụng CNTT cũng như Chính phủ điện tử thì người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần quan tâm, nhận thức đúng, có chỉ đạo quyết liệt và có phương pháp triển khai.

Còn bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đưa ra kinh nghiệm là cần thuyết phục và làm nhiều ứng dụng CNTT cho lãnh đạo sử dụng, lãnh đạo sẽ được cung cấp nhanh, đầy đủ thông tin như tình hình chỉ đạo, điều hành, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Từ đó, lãnh đạo thấy được lợi ích thiết thực của việc ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc hàng ngày và sẽ có chỉ đạo tích cực việc ứng dụng CNTT tại cơ quan mình phụ trách.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img