‘Đánh thức’ doanh nghiệp Việt trước nguy cơ đổ vỡ

Thứ sáu, 14/08/2015 14:59 GMT+7
Để góp phần “đánh thức” doanh nghiệp trước khi tham gia các hiệp định lớn, PV đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân về những giải pháp bảo vệ doanh nghiệp bằng “hàng rào khoa học công nghệ”.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều sự kiện hội nhập quan trọng: Hiệp định FTA của khối EU sẽ ký trong một ngày rất gần; chuẩn bị kết thúc đàm phán TPP và sắp tới sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Cơ hội lớn rộng mở, nhưng chúng ta cũng sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là nhiều doanh nghiệp hiện gần như “đứng ngoài cuộc” những sự kiện này.

Nói cách khác, doanh nghiệp gần như chưa ý thức được những khó khăn khi tham gia vào các tổ chức này. Để góp phần “đánh thức” doanh nghiệp trước khi tham gia các hiệp định lớn, PV đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân về những giải pháp bảo vệ doanh nghiệp bằng “hàng rào khoa học công nghệ”.

PV: Thưa Bộ trưởng, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối diện với những khó khăn gì khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định kinh tế lớn?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có một điều cần sớm được cảnh báo là hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt không biết nếu tham gia vào các tổ chức này thì sẽ phải đối mặt với thách thức, khó khăn gì? Điều này rất nguy hiểm. Các vấn đề như sở hữu trí tuệ, dược phẩm, nông hóa phẩm, vi phạm bản quyền đến mức phải xử lý hình sự đối với những nơi vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ là những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm khi Việt Nam tham gia vào TPP hay FTA.

Chúng ta đang ở trình độ phát triển rất thấp, thấp nhất trong 12 nước tham gia TPP vì GDP của ta chỉ khoảng 2.000 USD, nước thấp gần chúng ta hiện nay cũng đã hơn 3.000 USD. Các nước dẫn đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, GDP của họ khoảng 60.000 USD. Giờ Việt Nam phải chơi một sân chơi chung với họ, chấp nhận tất cả điều kiện chung mà TPP đặt ra. Đây là một thách thức cực lớn.


Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

Nếu như chúng ta không có truyền thông tốt mà cứ để cho doanh nghiệp “bình chân như vại” như hiện nay thì chắc chắn khi TPP và FTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đổ vỡ hàng loạt. Bởi thời điểm này, hàng rào thuế quan dỡ bỏ và lúc đó, sự cạnh tranh về chất lượng sẽ rất khốc liệt. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam vẫn còn tiêu thụ được vì chúng ta lập hàng rào thuế quan và hạn chế nhập hàng hóa nước ngoài.

Khi hàng rào thuế quan dỡ bỏ thì chúng ta rất khó cạnh tranh với hàng điện tử của Nhật, thậm chí ngay cả mặt hàng gạo của Thái Lan, chúng ta cũng có thể thua. Những việc này lẽ ra phải chuẩn bị từ vài năm trước, bây giờ tuy là muộn nhưng muộn còn hơn là chúng ta không làm gì cả.

PV: Thưa Bộ trưởng, một trong những cốt lõi của những Hiệp định đàm phán nói trên chính là khoa học và công nghệ. Nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ mà cứ chấp nhận công nghệ cũ, với tư duy quản lý cũ thì sẽ thua ngay trên sân nhà, chưa nói đến việc cạnh tranh với hàng hóa các nước tham gia hiệp định. Vậy theo ông, các doanh nghiệp sẽ phải làm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Khi gia nhập TPP và FTA thì vấn đề mấu chốt sẽ là hàng hóa, hàng hóa lại gắn liền với chất lượng và giá thành. Đây là khâu quyết định về việc doanh nghiệp sẽ sống hay đổ vỡ. Sản phẩm không có chất lượng thì sẽ chết, mà có chất lượng nhưng giá thành cao cũng rất khó tồn tại. Cả hai vấn đề chất lượng và giá hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ.

Nếu chúng ta vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu thì năng suất lao động sẽ rất thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ thì doanh nghiệp phải thực hiện nhiều năm chứ không thể một sớm một chiều được. Đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn có cả một hệ thống quản lý kèm theo, cũng như nguồn nhân lực.

Để đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp phải xem lại, rà soát lại sự cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác, xem họ đang ở trình độ nào, chất lượng ra sao, giá thành, thông tin về sản phẩm hàng hóa như thế nào. Đi cùng với đó là thông tin về công nghệ mà các nước người ta đang sử dụng để cho ra sản phẩm hàng hóa đó. Trên tham khảo đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra tiêu chuẩn đầu vào.

Tôi lấy ví dụ, nếu muốn cạnh tranh với mặt hàng gạo của Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, thậm chí là Campuchia thì chúng ta phải tìm hiểu họ đang sử dụng giống gì, quy trình canh tác ra sao, phân bón như thế nào, cách bảo vệ thực vật, thu hoạch, xây dựng thương hiệu... Khi đó, chúng ta mới so sánh được mình đang ở trình độ nào, cần đầu tư vào cái gì.

Doanh nghiệp chế biến thì cần công nghệ gì, người nông dân canh tác theo kỹ thuật nào, máy gặt đập liên hợp thì chúng ta sản xuất theo sê ri nào? Nhưng tôi lưu ý rằng, không một doanh nghiệp nào làm được tất cả nên mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ lĩnh vực của mình để có thông tin. Chỉ có đổi mới công nghệ thì chúng ta mới có thể vào sân chơi này một cách bình đẳng.

Doanh nghiệp phải sớm đầu tư đổi mới công nghệ trước thềm hội nhập để cạnh tranh bình đẳng.

PV: Bộ trưởng có nói đến nguy cơ vi phạm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt. Vậy doanh nghiệp sẽ bảo vệ mình như thế nào và Bộ Khoa học Công nghệ sẽ có hỗ trợ doanh nghiệp ra sao để hạn chế thấp nhất rủi ro đó?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Từ trước đến nay do chúng ta còn nghèo nên chưa quan tâm lắm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, mà đây lại là vấn đề cực lớn vì nếu không cẩn thận, doanh nghiệp của ta sẽ sa vào “ma trận” kiện cáo, mà ta thì không đủ năng lực để tham gia các phiên tòa do tòa án quốc tế xử. Với sức ép rất lớn của Hoa Kỳ và Microsoft, Chính phủ đã phải dùng phần mềm có bản quyền trong các cơ quan nhà nước.

Bây giờ nếu chúng ta tham gia vào TPP chắc chắn phải tuân thủ bản quyền một cách tốt hơn. Trong Luật Sở hữu công nghiệp còn có nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích; trong nông nghiệp là giống cây trồng, giống vật nuôi; trong CNTT, ngoài vấn đề bản quyền thì còn có tín hiệu vệ tinh, dữ liệu số. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội và doanh nghiệp hiện nay đối với vấn đề này còn rất nhiều bất cập...

Cho dù 2,5 năm sau chúng ta mới phải thực thi TPP, nhưng với khoa học công nghệ thì thời gian này là rất ngắn. Ngay vấn đề tốc độ đổi mới công nghệ hiện nay, trong chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Thủ tướng yêu cầu khoảng 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam mới đổi mới được một thế hệ công nghệ.

Chính vì thế, tốc độ đổi mới công nghệ cần phải nhanh hơn nữa thì chúng ta mới có thể đáp ứng được trong khoảng thời gian quá ngắn của TPP. Về phía Bộ, với chức năng quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, sẽ tạo cơ chế, chính sách tốt nhất cho doanh nghiệp, nhưng sẽ không can thiệp được vào hoạt động của doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img