Khóa đào tạo xúc tiến liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản

Thứ sáu, 02/03/2012 09:43 GMT+7
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, từ ngày 19/02/2012 đến ngày 03/3/2012 tổ chức Jica Nhật Bản đã tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia Việt Nam nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và ban hành cơ chế chính...


Các thành viên tham dự khóa tu nghiệp xúc tiến liên kết hỗ trợ cho các DNVVN tại Nhật Bản (Ảnh: Huy Cường)

Các chuyên gia tham dự khóa học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, TP Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Khóa học được các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản hướng dẫn, tập trung vào nội dung nghiên cứu lịch sử phát triển theo từng giai đoạn của nền kinh tế Nhật Bản, những bất cập, sửa đổi và ban hành chính sách sửa đổi đối với các DNVVN (SMEs) của Nhật Bản từ năm 1949 đến nay. Trong đó có Luật Cơ bản DNVVN.

Các học viên được hướng dẫn các phương pháp phân tích đánh giá và đối chiếu các chính sách hỗ trợ cho các DNVVN của Nhật Bản và các cơ chế chính sách đã và đang được sử dụng tại Việt Nam, sự cần thiết liên kết giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ hình thành phát triển các DNVVN.

Với việc ban hành Luật Cơ bản doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 1999) và Hiến chương về doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2010), Nhật Bản đã xem vai trò DNVVN là bộ phận quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững nền kinh tế Nhật Bản. Để thực thi Luật Cơ bản DNVVN, hoạt động hiện đại hóa các DNVVN đã được tiến hành, trong đó có hoạt động hợp nhất nhiều DNVVN, xây dựng tổ hợp doanh nghiệp DNVVN.

Một trong những ví dụ tiêu biểu được giới thiệu là tổ hợp khu công nghiệp Hammamatsu thuộc tỉnh Shizuoka. Đây là khu tổ hợp tư nhân được thành lập cách đây 25 năm với sự góp vốn của 25 doanh nghiệp vừa và nhỏ có cùng ý chí, hợp nhất thành các tổ hợp với các ngành nghề khác nhau. Tại khu tổ hợp này, một số doanh nghiệp thực hiện việc gia công các chi tiết, sản xuất, lắp ráp các thiết bị cơ khí, linh kiện điện tử cho sản xuất ô tô, xe máy cho các hãng lớn như Honda, Toyota, Yamaha,…

Nhiều doanh nghiệp KH&CN có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ đã được hỗ trợ ươm tạo công nghệ tại các Trung tâm kỹ thuật công nghiệp, Nhật Bản. Cơ quan này là tổ chức công lập thuộc chính quyền địa phương, thực hiện chức năng tư vấn miễn phí hỗ trợ DNVVN giải quyết các khó khăn về công nghệ, kỹ thuật trong quá trình sản xuất, tiến hành các thí nghiệm kiểm định chất lượng cho sản phẩm với giá ưu đãi cho DNVVN, hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp, viện trường và chính quyền thực hiện ý tưởng mới, phát triển sản phẩm mới, hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp, ươm tạo và phát triển các công nghệ với thời gian từ 3 đến 5 năm. Hàng năm, Trung tâm tiến hành tổ chức các triển lãm, hội chợ xúc tiến các kết quả R&D của các viện nghiên cứu, các trường đại học cho các DNVVN và của các DNVVN đối với các doanh nghiệp lớn.

Cùng với việc xây dựng và ban hành chính sách phù hợp cho DNVVN để đạt được mục tiêu hiện đại hóa các DNVVN Nhật Bản, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp rất được quan tâm. Hệ thống các học viện, trường đại học đào tạo DNVVN thuộc Cơ quan phát triển hạ tầng DNVVN được triển khai tại hầu hết các khu vực trên cả nước với phương châm “Thành công của doanh nghiệp phục thuộc vào nhân tố con người của doanh nghiệp đó. Phát triển nguồn nhân lực là nền tảng của quản trị kinh doanh” hơn 30 năm. Hàng vạn chuẩn đoán viên doanh nghiệp (Shindanshin) và hỗ trợ viên DNVVN đã được đào tạo và cấp chứng chỉ. Nguồn nhân lực này đã góp phần quan trọng để Nhật Bản thực hiện thành công chính sách hiện đại hóa các DNVVN trong thời gian qua.

Có thể nói sự thành công của nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian qua là sự thành công của các DNVVN với trình độ kỹ thuật công nghệ cao, khả năng tổ chức hợp lý sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao trong công việc. Trong đó sự liên kết hỗ trợ thật sự có hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương là yếu tố mang ý nghĩa then chốt cho sự phát triển của các DNVVN.

Việc đánh giá đúng, sử dụng và phát triển hợp lý bài học kinh nghiệm này sẽ tạo động lực mới giúp phát triển cho các DNVVN của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp kinh doanh sản xuấttrong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, ít nhân công, sử dụng ít mặt bằng nhưng làm ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao như công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, vật liệu mới, xử lý môi trường,…

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img