Viện Công nghệ xạ hiếm tổ chức Hội nghị Tổng kết hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về nghiên cứu phát triển công nghệ đất hiếm ở Việt Nam

Thứ sáu, 22/04/2016 15:01 GMT+7
Sáng ngày 15/4/2016, tại trụ sở của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Công nghệ xạ hiếm trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về nghiên cứu phát triển công nghệ...
Tham dự Hội nghị có: Ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Cao Đình Thanh – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; Bà Lê Ngân Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ KH&CN; Ông Takayuki Ichinohe – Chủ nhiệm Dự án Tổng Công ty JOGMEC; Ông Yoshiyuki Aiba – Giám đốc điều hành Dự án Tổng công ty TTC; Ông Yoshiaki Shibata – Quản lý cấp cao thuộc Tổng công ty MMC; Ông Hidehiko Yamasaki – Quản lý dự án về phân chia thuộc Tổng công ty NYC. Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN; Lãnh đạo Vụ Công nghiệp Nặng, Vụ HTQT – Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công thương; Văn phòng Chính phủ; Liên đoàn địa chất xạ hiếm thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường; Lãnh đạo Viện NLNTVN; Lãnh đạo Viện CNXH; Lãnh đạo Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam; Giám đốc Công ty đất hiếm Lai Châu; Giám đốc Công ty đất hiếm Việt Nam; Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thái Dương và các nhà khoa học, các chuyên gia cùng toàn thể cán bộ tham gia dự án.


PGS. TS. Lê Bá Thuận – Viện trưởng Viện CNXH - Chủ nhiệm dự án đọc báo cáo tổng kết hợp tác Việt Nam- Nhật Bản về nghiên cứu phát triển công nghệ đất hiếm ở Việt Nam

Tại Hội nghị, ông Lê Bá Thuận - Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) đã đọc báo cáo tổng kết hoạt động hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về nghiên cứu phát triển đất hiếm ở Việt Nam. Báo cáo nêu rõ những kết quả mà dự án đã đạt được trong suốt quá trình 5 năm kể từ ngày 31 tháng 10 năm 2010 khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký thỏa thuận về phát triển công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam cho đến nay. Tham gia thực hiện Thỏa thuận này của hai Chính phủ về phía Nhật Bản là Tổng công ty Nhà nước Japan Oil, Gas and Metal National Corporation (JOGMEC) cùng với các Tổng công ty Toyota Tshusho Corporation (TTC), Misubishi Materials Corporation (MMC) và Nippon Yttrium Co. Ltd. (NYC) và về phía Việt Nam là Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện NLNTVN, Bộ KH&CN.
Triển khai thực hiện một trong những nội dung quan trọng của Thỏa thuận, Trung tâm nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đất hiếm thuộc Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện NLNTVN đã được thành lập. Trong thời gian 2011 đến nay, Dự án được triển khai một cách hệ thống, kế hoạch, liên tục với tính tổ chức cao và thu được các kết quả cơ bản như sau:
- Phát triển công nghệ tuyển quặng đất hiếm Đông Pao loại A và loại B đạt mức độ thu hồi cao, trong đó thành công lớn là tuyển quặng loại B, một loại hình quặng có trữ lượng gần một phần hai mỏ đất hiếm Đông Pao nhưng rất khó tuyển do tính phong hóa mạnh;
- Xây dựng thành công công nghệ phân hủy tinh quặng đất hiếm Đông Pao quy mô pilot;
- Xây dựng công nghệ phân chia thu nhận đất hiếm riêng rẽ đạt độ tinh khiết cao như La2O3, CeO2, Nd2O3, Pr6O11, Eu2O3, Gd2O3, Dy2O3 có độ tinh khiết > 99,9% trên thiết bị chiết dung môi nhiều bậc ngược dòng.
- Xây dựng công nghệ xử lý chất thải chứa nhân phóng xạ tự nhiên của quá trình tuyển, thủy luyện và phân chia tinh chế,….
- Dự án RTTC đã nghiên cứu và xử lý 20 tấn quặng Đông Pao, thu nhận 5 tấn tinh quặng, 2 tấn tổng đất hiếm và các oxit sạch La2O3, CeO2, Nd2O3 and Pr6O11 có độ sạch 99% đến 99,9 %.
Có được những kết quả trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự lao động nghiêm túc, nhiệt tình của các cán bộ nghiên cứu Việt Nam và cả các chuyên gia Nhật Bản, sự tạo điều kiện của Viện NLNTVN và chỉ đạo của Bộ KH&CN.


TS. Cao Đình Thanh – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, TS. Cao Đình Thanh – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN đã phát biểu ghi nhận những nỗ lực của các cán bộ nghiên cứu Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện dự án, cảm ơn sự hỗ trợ bên phía Nhật Bản, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản là người trực tiếp làm việc với các cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ xạ hiếm. TS. Cao Đình Thanh đã nhấn mạnh chính sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên đã mang lại những thành công cho dự án và thành công lớn nhất trong dự án này là cán bộ nghiên cứu của Viện CNXH đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất lượng lớn các oxit đất hiếm tinh khiết riêng rẽ bằng phương pháp chiết lỏng-lỏng, một phương pháp có độ phức tạp cao và không nhiều cơ sở trên thế giới làm chủ công nghệ này.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt cho Bộ KH&CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã phát biểu gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Nhật Bản, Bộ METI, các công ty và các cá nhân tham gia vào thực hiện Thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản: Công ty JOGMEC, Công ty Toyota Tshusho Corporation, Misubishi Materials Corp. và Nippon Yttrium Co. Ltd. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn rằng, trong tương lai sẽ tiếp tục có những dự án hợp tác theo mẫu hình này để góp phần vào sự phát triển nền Khoa học công nghệ ở Việt Nam nói chung và công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam nói riêng. Để ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ cho các chuyên gia: Yoshiyuki Aiba, Naofumi Higashi, Takayuki Ichinohe, Satoru Okubo, Yosuke Kawata, Yoshiaki Shibata, Hidehiko Yamasaki.


Ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ cho các chuyên gia Nhật Bản

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác của các Bộ ngành, của các cá nhân ủng hộ và tạo điều kiện cho Dự án và đặc biệt là sự lao động nhiệt tình, có trách nhiệm của cán bộ Viện CNXH, Viện NLNTVN tham gia dự án.
Phần cuối của Hội nghị là các báo cáo khoa học do các cán bộ của Dự án trình bày về các kết quả đã thu được trong quá trình thực hiện dự án./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img