Đến dự Hội thảo có ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đại diện đại sứ quán Pháp, Đức, cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan.
Hội thảo là cơ hội để các cán bộ nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước và các chuyên gia đến từ Pháp, Đức cùng giới thiệu và đề xuất các giải pháp công nghệ ứng dụng vào giải quyết các bài toán thực tiễn trong công tác quản lý tổng hợp ven biển của Việt Nam.
Các báo cáo, trình diễn công nghệ của các chuyên gia Pháp và Đức, cũng như các báo cáo tham luận của các chuyên gia Việt Nam đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học đã đưa ra một bức tranh khái quát về thực trạng quản lý tài nguyên ven biển phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển.
Ông Trần Minh Sanh cho biết, Bà Rịa- Vùng Tàu là một trong 28 tỉnh, thành ven biển. Bên cạnh những lợi ích quan trọng của biển, Bà Rịa- Vũng Tàu luôn phải đối mặt với các nguy cơ từ biển như ô nhiễm môi trường, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Việc các nhà khoa học chủ động tìm kiếm, đề xuất các giải pháp hỗ trợ quản lý ven biển là cần thiết và cấp bách. Sau khi tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá, học hỏi kinh nghiệm quản lý ven biển tại Pháp, tỉnh thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống giám sát, quản lý tổng hợp ven biển và cho rằng sử dụng hệ Radar HF là phù hợp trong điều kiện thực tế. Vì mục đích phát triển bền vững, Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý ngành xem xét để tỉnh sớm có được các hệ thống hỗ trợ quản lý ứng dụng công nghệ cao như giải pháp được đề xuất tại Hội thảo.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh đã chia sẻ ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước về những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững kinh tế biển. Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, tại Việt Nam phát triển bền vững kinh tế biển luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao nhất. Kinh tế biển có nhiều tiềm năng, đóng góp hơn 50% vào GDP của Việt Nam trong thời gian tới nên đây là khu vực đặt ra những yêu cầu cũng như đòi hỏi vai trò quan trọng của KH&CN.
Hiện nay, Bộ KH&CN đã thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về việc huy động nguồn lực, cộng đồng nhà nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu vào lĩnh vực tài nguyên biển và môi trường, đã có những đóng góp cụ thể trong việc phát triển lĩnh vực này. Bộ KH&CN cũng đang chỉ đạo thúc đẩy tăng cường nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng, tăng cường chuyển giao và đổi mới công nghệ, đặc biệt là tiếp cận và ứng dụng khai thác những công nghệ cao phục vụ cho phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới.
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, lợi thế về tiềm năng của biển luôn đi kèm với những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững kinh tế biển như những vấn đề liên quan đến giảm thiểu nguy cơ về phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, an toàn hàng hải, chất lượng môi trường, tài nguyên nước biển và ven biển cũng như tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay, Bộ KH&CN đã giao cho Viện Ứng dụng Công nghệ là đơn vị tiếp cận và hợp tác khai thác những công nghệ mới và hiện đại. Hội thảo là cơ hội tốt để Viện triển khai nhiệm vụ đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong đời sống.
“Với năng lực nắm bắt những giải pháp bí quết công nghệ cao của Công ty Actimar và Công ty Helzel, cùng với tiềm năng cũng như sự tích lũy tri thức của đội ngũ nghiên cứu trong Viện Ứng dụng Công nghệ thời gian qua, đây là sự hợp tác hết sức phù hợp và mang lại tiềm năng để giải quyết những bài toán đặt ra tại các bộ, ngành và địa phương đối với việc phát triển kinh tế biển”, Thứ trưởng khẳng định.
Về những vấn đề đặt ra đối với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xung quanh môi trường về xử lý tràn dầu, phát triển thủy sản bền vững,… cũng như vấn đề tương tự của các địa phương khác, Viện Ứng dụng Công nghệ và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ cùng chung tay giải quyết với những công nghệ trong nước cũng như khai thác công nghệ của quốc tế. Thứ trưởng đề nghị Viện Ứng dụng Công nghệ phối hợp với Ban KH&CN địa phương làm đầu mối với các địa phương để ghi nhận kịp thời đề xuất của Bà Rịa- Vũng Tàu làm cơ sở để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề đặt ra trong thời gian sắp tới.