Tổng kết giai đoạn I Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP)

Thứ sáu, 21/06/2013 10:43 GMT+7
Ngày 20/6/2013, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Chương trình IPP và Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP). Hội nghị nhằm đánh giá...

Các tiểu dự án điển hình nhận chứng nhận của Bộ KH&CN và IPP

Chương trình IPP được hình thành trên cơ sở sử dụng những kinh nghiệm, kiến thức về ĐMST mà Phần Lan đã thực hiện rất thành công trong vòng khoảng 50 năm trở lại đây. Mục tiêu của IPP là thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia của Việt Nam (NIS), góp phần thực hiện nỗ lực của Chính phủ là Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020, trong đó đặt trọng tâm phát triển nền kinh tế tri thức.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, IPP là chương trình có ý nghĩa góp phần vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả mối liên kết giữa các nhà nghiên cứu - nhà doanh nghiệp - nhà quản lý; thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN mới. IPP góp phần nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ để KH&CN đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Chương trình IPP đang hỗ trợ hơn 60 dự án trong bốn hợp phần: phát triển năng lực thể chế; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các sáng kiến và dự án ĐMST của doanh nghiệp; hợp tác Việt Nam - Phần Lan.

Trong giai đoạn 1, Chương trình IPP đã giúp Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý trong KH&CN, thúc đẩy mối liên kết giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp góp phần đưa các sản phẩm, phát minh khoa học đến với thị trường. Ngoài ra, Chương trình còn là cầu nối để tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan.

IPP là chương trình đầu tiên trong lĩnh vực ĐMST ở Việt Nam, mang tính chất thí điểm, đã có tác động tốt và có sức lan tỏa mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò và ý nghĩa của ĐMST đối với quá trình phát triển. Thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn, các diễn đàn doanh nghiệp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn mở… chương trình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học và đặc biệt là các doanh nghiệp. Ý thức sáng tạo, ý tưởng về đổi mới đang được khơi dậy phát triển trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Với những thành công đạt được từ IPP1, Chính phủ Phần Lan sẽ hỗ trợ cho Việt Nam thông qua IPP2 nhằm giúp Việt Nam đổi mới cơ chế cho phát triển KH&CN, đầu tư để tạo ra một số sản phẩm quốc gia có hàm lượng KH&CN cao và có giá trị gia tăng lớn trên thị trường và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan để đưa quan hệ đó lên một tầm cao mới lấy sáng tạo làm động lực. Thứ trưởng Trần Việt Thanh bày tỏ mong muốn.

Giám đốc Chương trình IPP Trần Quốc Thắng cho biết, trong giai đoạn 2 nên tăng cường hơn nữa về các hoạt động xây dựng năng lực, xem xét thay đổi cách tiếp cận trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp theo hướng đa ngành, theo khối doanh nghiệp có tiềm năng và có sự bảo trợ của chính quyền địa phương và trung ương. Hỗ trợ nhiều hơn việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ĐMST.

Với mong muốn vinh danh các dự án có kết quả thành công xét trên nhiều phương diện: quản lý dự án, đưa kết quả dự án vào thực tiễn, biến giá trị của ĐMST thành giá trị hữu hình cho thị trường và cho xã hội, dự án IPP đã lựa chọn 11 tiểu dự án trên tổng số hơn 60 các tiểu dự án để vinh danh. Trong 11 tiểu dự án này có 2 dự án đến từ khối quản lý, 2 dự án đến từ khối trường viện nghiên cứu và có 7 dự án đến từ khối doanh nghiệp.

Nhân dịp này, một số sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu cũng được trưng bày tại Hội nghị.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img