Buổi làm việc là kết quả của sáng kiến giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban đối ngoại Trung ương và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị trong chuỗi sự kiện “Những cầu nối - Đối ngoại hướng tới văn hóa hòa bình” tại Việt Nam.
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, hiện nay ở Việt Nam đã có những chỉ đạo từ các cấp cao nhất về việc phải quan tâm đúng mức tới nghiên cứu cơ bản, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế để áp dụng thành tựu công nghệ hiện đại nhất của các nước trên thế giới vào sự phát triển kinh tế - xã hội… Để thực hiện việc này, Bộ KH&CN đã hình thành các Chương trình Quốc gia và nhiều chương trình khác nhau như: Chương trình quốc gia về ứng dụng Công nghệ cao, Đề án Hội nhập quốc tế..., trong đó đặt mục tiêu khai thác tốt nhất các hợp tác song phương với các cộng đồng khoa học quốc tế, những giải pháp cụ thể nhằm tìm kiếm, trao đổi để có những hoạt động nghiên cứu chung với các nhà khoa học đầu ngành.
Trong hướng nghiên cứu cơ bản, Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm, cụ thể là hai lĩnh vực hàng đầu trong nghiên cứu cơ bản là Toán học và Vật lý. Gần đây tại Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ 7 năm 2010, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chỉ đạo để xây dựng chiến lược phát triển Vật lý đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hướng nghiên cứu vật lý Việt Nam sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính là: Thứ nhất, ứng dụng những kết quả nghiên cứu của vật lý hiện đại vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; thứ 2 là tiếp tục tham gia phát triển một số hướng vật lý hiện đại theo chiều hướng có chọn lọc phù hợp với tiềm lực của Việt Nam như: vật lý lý thuyết, vật lý tính toán, vật lý y học, khoa học vật liệu và vật liệu Nano...,
Giáo sư Douglas D.Osheroff cũng cho biết, ông rất vui được làm việc với Bộ KH&CN trong chuyến công tác lần này. Giáo sư hy vọng trong thời gian tới sự kết nối, hợp tác trong nghiên cứu vật lý cũng như trong nhiều lĩnh vực khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Giáo sư Douglas D. Osheroff công tác tại Bộ môn Vật lý, trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ).
Năm 1996, Giáo sư Douglas D. Osheroff được trao giải Nobel Vật lý do phát hiện ra tính siêu lỏng của đồng vị heli - 3. Phát hiện này giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu trực tiếp các hiệu ứng cơ học lượng tử trên các hệ thống vĩ mô - có thể nhìn được bằng mắt thường - thay vì nghiên cứu ở cấp độ nguyên tử, phân tử, hạ nguyên tử như trước.
Công trình của Giáo sư Osheroff được xem như bước đột phá trong ngành Vật lý nhiệt độ thấp và trong quá trình nghiên cứu heli - 3, ông đã phát triển cái sau này trong phòng thí nghiệm thuốc và bệnh viện gọi là “Ảnh hóa cộng hưởng từ” |