Vai trò và sứ mệnh của KH&CN trong quá trình hội nhập quốc tế

Thứ hai, 24/08/2015 17:14 GMT+7
Đó là chủ đề của Phiên họp thường kỳ lần thứ VIII của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) Quốc gia nhiệm kỳ 2012 – 2016 được tổ chức ngày 19/8/2015 tại Hà Nội. Đồng chí Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về...

Tham dự Phiên họp về phía khách mời, có đồng chí Vũ Khoan- Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ;... Về phía Hội đồng, có các chuyên gia cao cấp, thành viên của Hội đồng.


Đồng chí Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia chủ trì Phiên họp


Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia Hoàng Văn Phong đã khẳng định vai trò của hội nhập quốc tế trong việc giúp KH&CN Việt Nam khai thác có hiệu quả các thành tựu trong các lĩnh vực nghiên cứu, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ.

Các đại biểu tham dự Phiên họp đã tập trung trao đổi về thực trạng và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, những cơ hội và thách thức đối với KH&CN, cũng như vai trò của KH&CN trong quá trình hội nhập.

Tham luận tại Phiên họp, đồng chí Vũ Khoan đã đưa ra thực trạng vấn đề hội nhập của nước ta; cam kết của nước ta về hội nhập và những nội dung mới tính đến thời điểm hiện tại; vai trò của KH&CN trong quá trình hội nhập và nhu cầu hội nhập quốc tế về KH&CN;… Đặc biệt, đồng chí Vũ Khoan đã nêu rõ những thách thức và cơ hội với Việt Nam. Đồng thời đề xuất một số vấn đề trọng tâm về hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh việc lựa chọn những sản phẩm mũi nhọn với hàm lượng KH&CN cao để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tham dự Phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong bài tham luận của mình đã đề cập đến những nội dung chủ yếu, những định hướng lớn trong hoạt động hội nhập quốc tế thuộc lĩnh vực KH&CN của nước ta. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam có quan hệ hợp tác về KH&CN với gần 70 quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ; đã ký kết hợp 80 hiệp định hợp tác cấp chính phủ và cấp bộ.

Từ năm 2000 đến nay, đã có trên 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác, hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam và quốc tế được thực hiện. Bộ KH&CN đang tích cực triển khai Đề án "Hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020", xây dựng và ban hành một số văn bản pháp quy liên quan. Nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác liên chính phủ quan trọng được ký kết, đang triển khai thực hiện như Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; Hiêp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN; Biên bản thảo luận giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về Dự án thành lập Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST); Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST), Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP);… Mạng lưới đại diện KH&CN ở các địa điểm, quốc gia trọng điểm tiếp tục được kiện toàn để làm đầu mối kết nối thông tin, triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Các tham luận đều đã chỉ ra những thay đổi đáng kể trong việc hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về KH&CN nói riêng; phân tích những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đưa ra những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN, nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img