Nghiên cứu nuôi cấy mô cho ba dòng cây keo

Chủ nhật, 25/09/2016 15:42 GMT+7
Năm 2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy do ThS. Phạm Đức Huy dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nuôi cấy mô Invitro ba dòng keo lai KL2, KL20 và KLTA3”.
Hiện nay, gỗ là nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho sản xuất của Tổng công ty giấy Việt Nam. Nhu cầu nguyên liệu hàng năm của Tổng công ty là khoảng 500.000 m3, trong khi đó, các công ty lâm nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu trên. Hơn nữa, diện tích đất trồng các loài cây nguyên liệu giấy ngày càng bị thu hẹp do nhu cầu trồng các loài cây công nghiệp và nông nghiệp khác. Vì vậy, việc nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng rừng ngày càng cấp thiết.

Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 3 giống keo KL2, KL20 và KLTA3 là giống tiến bộ kỹ thuật. Đây là các giống keo rất thích hợp cho trồng rừng vùng Trung tâm Bắc Bộ và các vùng có điều kiện sinh thái tương tự. Thực tế cho thấy rừng trồng các dòng keo lai nêu trên tại vùng Trung tâm Bắc Bộ cho năng suất cao, chất lượng rừng đồng đều và ổn định hơn nhiều so với các loài khác.

Khi đã có giống năng suất cao thì việc nhanh chóng nhân rộng các giống đã được lựa chọn và trồng rừng sản xuất là rất quan trọng. Trong các kỹ thuật nhân giống hiện nay ở nước ta thì nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cho hiệu quả cao nhất, đặc biệt là chất lượng di truyền của cây giống được đảm bảo và khả năng cung cấp số lượng lớn cây giống ở quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, ba giống keo lai trên chưa được tiến hành nghiên cứu bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.

Xuất phát từ những đặc điểm trên, để góp phần nâng cao năng suất và duy trì tính ổn định của rừng trồng thì việc làm chủ công nghệ nuôi cấy mô ba dòng keo lai KL2, KL20 và KLTA3 là cần thiết. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nuôi cấy mô Invitro ba dòng keo lai KL2, KL20 và KLTA3”.

Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
- Đã nghiên cứu ảnh hưởng của BAP và NAA đến hiệu quả của quá trình nhân chồi ba dòng keo lai KL2, KL20 và KLTA3.

Môi trường MS cải tiến có bổ sung 0,5mg/l NAA + 6,0mg/l BAP là tốt nhất cho quá trình nhân nhanh chồi ba dòng keo lai KL2, KL20 và KLTA3. Đối với từng dòng, môi trường này cho hệ số nhân chồi và tỷ lệ chồi hữu hiệu như sau:
+ Dòng keo lai KL2, cho hệ số nhân chồi đạt 2,6 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 21,1%.
+ Dòng keo lai KL20, cho hệ số nhân chồi đạt 2,6 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 25,0%.
+ Dòng keo lai KLTA3, cho hệ số nhân chồi đạt 2,6 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 22,7%.
- Đã nghiên cứu ảnh hưởng của vitamin B2 đến hiệu quả của quá trình nhân chồi ba dòng keo lai KL2, KL20 và KLTA3.

Trong 4 công thức nghiên cứu về ảnh hưởng của vitamin B2 đến hiệu quả của quá trình thì công thức bổ sung 5,0 mg/l vitamin B2 là tốt nhất đối với cả 3 dòng nghiên cứu. Môi trường MS cải tiến + 0,5 mg/l NAA + 0,5 mg/l BAP có bổ sung 5,0 mg/l vitamin B2 cho hệ số nhân chồi và tỷ lệ chồi hữu hiệu đối với từng dòng cụ thể như sau:
+ Dòng keo lai KL2, cho hệ số nhân chồi đạt 2,7 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 25,2%.
+ Dòng keo lai KL20, cho hệ số nhân chồi đạt 2,7 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 26,8%.
+ Dòng keo lai KLTA3, cho hệ số nhân chồi đạt 2,7 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 25,8%.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11051/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img