Về định hướng thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong năm 2015

Thứ sáu, 16/01/2015 14:09 GMT+7
Nhân dịp Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới độc giả toàn văn bài phát biểu của Viện trưởng – TS. Trần Chí Thành về định hướng thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng...

Năm 2014 đã đi qua, một năm có nhiều biến động và thay đổi lớn trên thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội, và năm 2014 cũng đánh dấu một năm có nhiều sự kiện đáng chú ý đối với Việt Nam. Nhìn lại hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của Viện NLNTVN năm qua, có thể thấy rằng mặc dù chưa có những thành tích nổi bật trong nghiên cứu và ứng dụng, tuy nhiên năm 2014 là năm cho chúng ta cảm nhận được sự tiến bộ từng bước đi lên của Viện NLNTVN. Nếu như năm 2013 là năm của hình thành và bắt đầu xây dựng các “nhóm nghiên cứu ưu tiên”, thì năm 2014 là năm được gắn kết với nhiệm vụ “đào tạo nguồn nhân lực”.


Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014
của Viện NLNTVN

Có thể thấy rằng năm 2014 đã ghi nhận những kết quả tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Viện NLNTVN trong năm 2014 đã hoàn thành tốt một số khóa đào tạo trong nước, đã gửi 5 cán bộ đi nghiên cứu (đào tạo theo công việc) 3 tháng tại Nhật Bản về khoa học vật liệu nhà máy điện hạt nhân. Về đào tạo sau đại học, Viện đã gửi đi đào tạo 6 nghiên cứu sinh (tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc) và 9 thạc sỹ (tại Nga) chủ yếu về an toàn hạt nhân, khoa học vật liệu và lò nghiên cứu. Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã tổ chức tốt 2 lớp học tiếng Anh cho cán bộ nghiên cứu. Trong năm 2014, Viện NLNTVN đã thỏa thuận và chuẩn bị xong việc gửi 4 cán bộ sang Mỹ thực tập 6 tháng về an toàn hạt nhân, thiết kế chống động đất và về lò nghiên cứu (2 cán bộ sang trụ sở của Westinghouse ở Pittsburgh, 2 cán bộ sang Trường Đại học Bắc Carolina), với sự tài trợ kinh phí hoàn toàn từ Westinghouse (bắt đầu từ tháng 1/2015). Một số thành tích điển hình khác đáng kể là việc lắp đặt thành công máy gia tốc Cyclotron 13 MeV (thiết bị do Hàn Quốc tặng Bộ Khoa học và Công nghệ), xử lý tốt sự cố kẹt bảng nguồn Cobalt tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội; thực hiện tốt đề tài ứng dụng đồng vị phóng xạ trong chữa ung thư vòm họng của Viện Nghiên cứu hạt nhân. Kết quả công bố quốc tế của toàn Viện NLNTVN tăng hơn so với năm 2013, với 52 bài gửi và đã đăng, trong đó có 30 bài thuộc các tạp chí ISI có uy tín... Tuy kết quả đạt được còn khiêm tốn và chưa đạt được mong muốn của toàn thể cán bộ viên chức Viện NLNTVN, nhưng những kết quả này cho chúng ta có được niềm tin về sự tiến bộ, đi lên, sự cố gắng của toàn thể đội ngũ cán bộ trong toàn Viện. Với sự nỗ lực cố gắng liên tục, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng năm 2015 Viện NLNTVN sẽ có thành tích xứng đáng hơn. Với niềm tin như vậy, tôi đề xuất chủ đề của năm 2015 là “thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng”.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh được nghiên cứu và ứng dụng trong hoàn cảnh thiếu nguồn nhân lực khoa học giỏi, trang thiết bị nghiên cứu chưa đồng bộ, kinh phí đầu tư hạn hẹp v.v. là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để có thể thúc đẩy được nghiên cứu ứng dụng trong điều kiện đặc thù hiện nay của Việt Nam? Quan điểm chính của Viện NLNTVN trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng có thể được khái quát như sau:
- Tích cực thúc đẩy đào tạo, huấn luyện cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, bất kỳ khi nào có cơ hội và điều kiện. Đây là nhiệm vụ dài hạn, theo suốt các kế hoạch nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt chú trọng việc tìm kiếm, thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu đầu đàn của các nhóm nghiên cứu. Ưu tiên, tạo điều kiện làm việc, nghiên cứu thuận lợi nhất có thể cho các cán bộ nghiên cứu đầu đàn, đặt niềm tin thực sự vào họ.
- Các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu ứng dụng trung hạn, dài hạn, có tính chiến lược, cho giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn đến 2025, phù hợp với điều kiện cụ thể cũng như định hướng chiến lược của toàn Viện NLNTVN. Các kế hoạch nghiên cứu ứng dụng cần có mục tiêu rõ ràng, lộ trình và phải có tính kế thừa, trên cơ sở sử dụng hiệu quả trang thiết bị nghiên cứu, đào tạo đang có, cũng như nguồn kinh phí đầu tư.
- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu ứng dụng với các đơn vị nghiên cứu khác có liên quan trong nước, tích cực tìm kiếm, huy động và thu hút các cán bộ nghiên cứu giỏi của các đơn vị khác trong nước tham gia và kế hoạch nghiên cứu ứng dụng của Viện NLNTVN, chia sẻ kinh nghiệm, kinh phí v.v.
- Tận dụng và khai thác tốt hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đưa ứng dụng vào đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Hình thành mạng lưới tư vấn khoa học và hỗ trợ đào tạo quốc tế trong đó có các chuyên gia là Việt kiều, là các chuyên gia nước ngoài có quan hệ tốt với Việt Nam. Khai thác hiệu quả các đối tác quốc tế cho việc trao đổi thông tin, nghiên cứu, triển khai ứng dụng về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
- Chiến lược, kế hoạch nghiên cứu ứng dụng của Viện NLNTVN cần được xây dựng sớm, trên cơ sở đánh giá, tổng hợp nguồn nhân lực khoa học, tiềm năng của các đơn vị, khả năng phối hợp với các đơn vị và chuyên gia trong các lĩnh vực khác trong nước, khả năng hợp tác quốc tế, hướng đến các mục tiêu, nhiệm vụ cần thiết, cụ thể của đất nước liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử và chương trình điện hạt nhân.
Để có thể thúc đẩy được nghiên cứu, ứng dụng cần xác định rõ các định hướng thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng cần thiết. Trong thời gian tới, định hướng của Viện NLNTVN như sau.
1) Đối với các đơn vị nghiên cứu ứng dụng trực thuộc Viện NLNTVN
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tập trung nhiệm vụ chính vào lĩnh vực vật lý nơtron, vật lý lò, an toàn bức xạ, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế, sinh học. Đặc biệt dần dần đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi, xây dựng năng lực, phối hợp cùng đối tác Nga (ROSATOM) để triển khai thành công dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân (Trung tâm). Chú trọng phát triển năng lực về nghiên cứu vật liệu chiếu xạ, nghiên cứu về nhiên liệu hạt nhân.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tập trung vào các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò năng lượng, tối ưu thay đảo nhiên liệu điện hạt nhân, công nghệ và an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ và môi trường. Đặc biệt, về an toàn hạt nhân, Viện KHKT hạt nhân cần xây dựng năng lực về thực nghiệm thủy nhiệt, hướng đến nhiệm vụ liên quan trong dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân.
Viện Công nghệ Xạ hiếm, là đơn vị có nhiều lĩnh vực “độc quyền” như đất hiếm, nhiên liệu hạt nhân (Uran), chất thải phóng xạ. Viện cần tập trung xây dựng năng lực về các lĩnh vực này, cũng như nghiên cứu vật liệu, về hóa nước, hóa phóng xạ để hỗ trợ điện hạt nhân. Đối với các lĩnh vực “độc quyền”, cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn nhằm tư vấn cho Chính phủ, có lộ trình từng bước nắm rõ và làm chủ công nghệ cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ.
Các đơn vị ứng dụng (Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, VINAGAMMA, CANTI, NDE, Trung tâm Hạt nhân Tp. HCM) cần cùng nhau xây dựng kế hoạch thúc đẩy ứng dụng trong Y tế, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành khác. Thúc đẩy các ứng dụng truyền thống, đi vào chiều sâu, hiệu quả kinh tế xã hội. Đặc biệt chú trọng các ứng dụng mới trong công nghiệp như đánh giá lão hóa, tính năng vận hành thiết bị công nghiệp, an toàn đập thủy điện … Đưa khoa học kỹ thuật hạt nhân, ứng dụng bức xạ vào đời sống kinh tế xã hội là ưu tiên của Viện NLNTVN trong thời gian tới.
2) Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khác trong nước
Viện NLNTVN đánh giá cao và coi trọng, mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đơn vị nghiên cứu khác trong nước, nhằm tập hợp lực lượng khoa học để dần dần nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân. Cụ thể trước mắt đang triển khai hợp tác với các đơn vị:
- Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Kỹ thuật bức xạ ứng dụng trong tạo giống nông nghiệp, công nghệ bức xạ bảo quản sản phẩm nông nghiệp, phục vụ xuất khẩu;
- Bệnh viện 108: Khai thác máy gia tốc 13 MeV mới, triển khai ứng dụng trong Y tế (cung cấp đồng vị phóng xạ), đặc biệt áp dụng về kỹ thuật chẩn đoán sớm và điều trị ung thư;
- Đại học Bách Khoa Hà Nội: Cùng triển khai nghiên cứu về công nghệ, an toàn điện hạt nhân (hệ thống an toàn thụ động, an toàn Containment, tương tác cơ nhiệt v.v.), về nghiên cứu vật liệu, về mô phỏng và đánh giá kiểm tra không phá hủy;
- Viện Cơ học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam): Nghiên cứu kết cấu, phân tích cấu trúc, đánh giá thiết kế chống động đất, nghiên cứu đánh giá phóng xạ môi trường biển (phát tán phóng xạ, nhiệt …);
- Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam): Phối hợp nghiên cứu về vật liệu nhà máy điện hạt nhân, đánh giá sai hỏng vật liệu, đánh giá lão hóa thiết bị công nghiệp (trước mắt trong dầu khí, nhiệt điện v.v.);
- Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam): Phối hợp đào tạo, nghiên cứu vật lý hạt nhân, phối hợp cùng nghiên cứu ở Dubna (Nga) – Phối hợp đào tạo tốt, tuy nhiên việc hợp tác nghiên cứu để thúc đẩy nghiên cứu vật lý hạt nhân giữa 2 Viện hiện nay chưa được như mong muốn;
- Đại học Đà Lạt: Tham gia giảng dạy, đào tạo;
- Đại học Khoa học tự nhiên (Hà Nội): Khai thác thiết bị gia tốc Pelletron trong nghiên cứu vật liệu, đào tạo và nghiên cứu về hóa phóng xạ;
- Đại học Khoa học tự nhiên (Tp. Hồ Chí Minh): Đào tạo về vật lý hạt nhân, nghiên cứu vật liệu;
- Đại học Nguyễn Tất Thành (Tp. HCM): Xây dựng Khoa Vật lý y học (Medical Physics), phối hợp cùng Đại học Khoa học tự nhiên;
- Viện Toán (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam): Nghiên cứu phân tích rủi ro, công cụ toán, phân tích hướng đến hỗ trợ việc đưa ra quyết định (Decision Making) liên quan điện hạt nhân – mong muốn và dự định trong tương lai.
Việc phối hợp nghiên cứu, ứng dụng với các đơn vị khác tuy ở các mức độ khác nhau, nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn, và là thiết yếu để đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
3) Hợp tác quốc tế
Viện NLNTVN đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong năm qua. Viện đã và đang phối hợp và hợp tác hiệu quả với các đối tác về điện hạt nhân (Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp). Viện đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị nghiên cứu các nước như Viện Nghiên cứu hạt nhân Hàn Quốc, Tiệp, Viện Nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân Slovakia, Tập đoàn SKODA (Czech), Viện Nghiên cứu lò, Viện Thiết kế điện hạt nhân, Viện Luyện kim, hàn (Nga). Hiện nay, Viện NLNTVN đang hợp tác chặt chẽ với các trường đại học và các Giáo sư của nhiều nước, ví dụ Đại học Công nghệ Hoàng gia (Thụy Điển), Đại học Bắc Carolina (Hoa Kỳ), Đại học Tokyo, Kyoto, Nagaoka (Nhật Bản), Đại học Aachen (Đức), Đại học Năng lượng Mát-xcơ-va (Nga) v.v. trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu. Ngoài ra, Viện NLNTVN đang phối hợp với các chuyên gia Việt kiều, hình thành mạng lưới tư vấn, nghiên cứu và đào tạo (nhóm VietTech và các chuyên gia ở Pháp, Úc, Hoa Kỳ). Năm 2015, hợp tác quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu ứng dụng.
Trước mắt, một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015, hướng đến đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng bao gồm:
- Xây dựng kế hoạch nghiên cứu ứng dụng 2015-2020, tầm nhìn 2025 của Viện NLNTVN, trong đó tập trung 3 mảng chính là: Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử; Nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân và vật lý, động học lò; Xây dựng năng lực và thúc đẩy nghiên cứu hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân của đất nước;
- Triển khai các nhiệm vụ liên quan đến dự án Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân, bao gồm: Khảo sát địa chất sơ bộ các địa điểm tiềm năng xây dựng lò nghiên cứu mới (3 địa điểm tại Đồng Nai và Lâm Đồng), đánh giá so sánh lựa chọn địa điểm để lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm, lập Nghiên cứu khả thi (FS) của Trung tâm; Đàm phán tiến đến ký Thỏa thuận tài chính với Liên bang Nga về kinh phí thực hiện Hồ sơ địa điểm và FS của Trung tâm; Tham gia cùng đối tác Nga trong thực hiện Hồ sơ địa điểm và FS của Trung tâm (tham gia thiết kế lò nghiên cứu mới và các nội dung khác);
- Tập trung ưu tiên một số nhiệm vụ ứng dụng như: Ứng dụng trong Y tế liên quan đến đồng vị phóng xạ trong điều trị chữa bệnh; Chiếu xạ, bảo quản, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng trang thiết bị hỗ trợ tạo giống nông nghiệp; Tăng cường, khuyến khích áp dụng kỹ thuật hạt nhân, công cụ mô phỏng tính toán, dự báo vào trong các ngành công nghiệp;
- Tư vấn đánh giá, quyết định lựa chọn công nghệ cho Ninh Thuận 2;
- Nghiên cứu về các thiết kế được lựa chọn xây dựng tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, sẵn sàng phối hợp với Cục An toàn và tham gia vào Thẩm định báo cáo Phân tích an toàn của 2 dự án;
- Chuẩn bị tốt Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân lần thứ XI vào đầu tháng 8/2015 tại Đà Nẵng, trong đó khuyến khích các báo cáo viết bằng tiếng Anh, mời các đối tác quốc tế, các Giáo sư, chuyên gia, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài tham dự, tham gia Hội đồng khoa học, Review bài báo của Hội nghị v.v., tiến tới nâng cấp Hội nghị này thành Hội nghị quốc tế (khu vực) vào năm 2017.


Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Viện NLNTVN

Không một đất nước nào trên thế giới đi đến thịnh vượng mà không thông qua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống kinh tế xã hội trong điều kiện đặc thù Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ không đơn giản, nhưng hết sức cần thiết đối với đất nước. Khoa học công nghệ hạt nhân có một vị trí quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của toàn thể đội ngũ cán bộ viên chức, tôi tin rằng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ có đóng góp ngày càng nhiều cho khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img