Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo (Ngũ Hiệp)
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng- Phó Trưởng khoa, Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; lãnh đạo và cán bộ Trung tâm truyền thông; đông đảo lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí.
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, trong một đất nước, truyền thông luôn là công cụ cần thiết, có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việt Nam là nước đang phát triển, công tác truyền thông gần đây đang có sự thay đổi lớn.
Ngày nay, mạng xã hội có thể làm cho mọi người dân ai cũng có thể trở thành các nhà báo. Việt Nam lại có tới hơn 90 triệu dân, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm đa số. Đây là thế hệ tương lai của đất nước và họ tiếp cận với công nghệ rất nhanh nhạy thì truyền thông mạng xã hội có ý nghĩa quan trọng.
Để khẳng định vai trò to lớn của KH&CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mượn ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trong Lễ công bố ngày KH&CN Việt Nam (18/5) vừa qua: “Đối với mỗi quốc gia, những tiềm lực về khoáng sản, tài nguyên, đất đai, mặt nước v.v… qua các thế hệ khai thác, sử dụng chỉ có thể bị tiêu hao chứ không thể phát triển được. Nhưng riêng tài sản trí tuệ của dân tộc, càng sử dụng càng nhiều lên, càng giàu có lên, càng phát triển lên”.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, nhìn lại lịch sử từ thời kỳ phục hưng đến khi công nghiệp phát triển vào đầu những năm thế kỉ 16, 17, 18 và đến nay, những quốc gia giàu có, kiểm soát cả thế giới chính là những đất nước có tiềm lực mạnh nhất về KH&CN. Chỉ có tri thức, chỉ có khoa học thì mới giúp cho một đất nước có thể phát triển được. Ngày nay, đâu đâu cũng thấy smartphone, iphone, ipad… đó là nhờ vào tri thức, KH&CN. Một lần nữa có thể khẳng định, chỉ có khoa học mới giúp cho đất nước phát triển được.
Qua hội thảo này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ mong muốn các đồng chí phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị trong Bộ sẽ nắm vững được những vấn đề cơ bản về họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí, thông tin về KH&CN, thông tin về những thành tựu KH&CN, thông tin về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến với mọi người dân, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cũng như toàn xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo (Ngũ Hiệp)
Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng- Phó Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm về cách thức tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí; về cách quan hệ với báo giới và cách quản trị khủng hoảng truyền thông.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đã truyền cho cán bộ truyền thông nhiều kinh nghiệm trong các khâu tổ chức họp báo, ứng xử linh hoạt, khéo léo với mọi tình huống, từ đó thông qua các hoạt động họp báo, đối thoại, cơ quan quản lý KH&CN có thể tiếp nhận các phản hồi, ý kiến của công chúng thông qua kênh truyền thông báo chí về những bất cập của chính sách để điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời.
Đặc biệt, chuyên đề khủng hoảng truyền thông và giải quyết khủng hoảng truyền thông được nhiều người quan tâm trong hội thảo. PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đã nêu các cách kiểm soát khủng hoảng truyền thông, giảm thiểu hoặc ngăn chặn được những tác động tiêu cực do khủng hoảng truyền thông gây ra và từ đó bảo vệ uy tín và hình ảnh của tổ chức.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ thêm với các “học viên” những kiến thức, kinh nghiệm quý báu về công tác truyền thông KH&CN.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Đất nước đang phát triển theo hướng hiện đại thì lĩnh vực KH&CN luôn phải được ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này. Đó một phần do những người làm truyền thông chưa truyền tải được tới họ ý nghĩa của KH&CN trong đời sống kinh tế xã hội. Bởi vậy, nhiệm vụ của những người làm truyền thông là phải làm thế nào để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của KH&CN, qua đó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, đột phá của mỗi cá nhân trong lĩnh vực này.
Tại Hội thảo, các cán bộ trực thuộc Bộ đã có những trao đổi về xây dựng thông tin KH&CN một cách đầy đủ, hấp dẫn, để công tác truyền thông trong các đơn vị thuộc Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.