Bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Quân tại Lễ công bố Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5/2014)

Thứ hai, 19/05/2014 09:30 GMT+7

Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc;

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương;

Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý.

Thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất, lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt đến Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quý vị đại biểu và các vị khách quý đã tham dự Lễ công bố Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 được tổ chức trọng thể lần đầu tiên.

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý

Trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, ngành khoa học và công nghệ đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm ghi nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ Việt Nam, tại Điều 7 Luật khoa học và công nghệ năm 2013, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 đã quy định “Ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam”. Điều có ý nghĩa là ngày KH&CN Việt Nam gắn liền với kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đó chính là ngày hơn 50 năm trước Bác Hồ đã gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến KHKT Việt Nam, và như một sự tình cờ may mắn, ngày KH&CN Việt Nam cũng liền kề với ngày sinh nhật của Người 19 tháng 5.

Việc quy định và thực hiện Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh đội ngũ những người làm công tác khoa học và công nghệ, mà còn là cơ hội để chính họ trình diễn các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về khoa học và công nghệ, quan tâm đầu tư và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, đồng thời động viên, khích lệ và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của nền KH&CN nước nhà.

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, những năm qua ngành KH&CN Việt Nam đã có một số thành tựu nổi bật, góp phần đưa nước ta vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bắt đầu bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.

Thứ nhất, nền tảng pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ về cơ bản được hoàn thiện : Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Luật KH&CN 2013 và hàng loạt cơ chế chính sách mới đã được ban hành, tạo điều kiện cho KH&CN đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đồng bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển KH&CN quốc gia đến năm 2020, gắn kết mục tiêu phát triển KH&CN với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nền kinh tế. Cơ chế quản lý tổ chức và hoạt động KH&CN được đổi mới đã bước đầu giải phóng sức sáng tạo của cộng đồng KH&CN, hy vọng sẽ tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng kết quả KH&CN trong các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thứ hai, khoa học và công nghệ đã thực sự có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình khoa học của chúng ta đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; bước đầu làm rõ cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; khẳng định các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam; khẳng định chủ quyền quốc gia đối với các quần đảo Hoàng sa, Trường sa và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về nền toán học, vật lý của Việt Nam đã đạt được thứ hạng cao trong khu vực, với các nhà khoa học trẻ tài năng như GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, đã tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KH&CN mới về vũ trụ, y sinh, hạt nhân. Chúng ta đã tiệm cận trình độ các nước trong khu vực về công nghệ nano, tế bào gốc, giải mã gen cây trồng, vật nuôi và giải mã bộ gen người. Trong các lĩnh vực kinh tế : Việt Nam đã tự lực xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La 2400 MW lớn nhất Đông Nam Á, trong đó có thiết bị cơ khí thủy công và thiết bị nâng hạ 1200 tấn; Việt Nam là 1 trong 3 nước ở Châu Á và 1 trong 10 nước trên thế giới làm chủ thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước, 120 m nước... Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông phát triển vượt bậc với việc chúng ta đang chuẩn bị sản xuất vi mạch điện tử, thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ 13 Châu Á về cả quy mô và tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực: cố định, di động và Internet, sản phẩm phần mềm của BKAV được sử dụng ở 106 quốc gia, sản phẩm của Tosy được trình diễn ở nhiều triển lãm công nghệ quốc tế. Việt Nam đã đưa lên quỹ đạo các vệ tinh viễn thông Vinasat1 và Vinasat2, vệ tinh viễn thám VNREDSAT và đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico. Chúng ta cũng đã làm chủ công nghệ tiên tiến trong thiết kế, thi công các công trình giao thông, xây dựng có trình độ công nghệ cao : cầu bê tông đúc hẫng khẩu độ trên 150m, cầu dây văng nhịp lớn, cầu Pá Uôn trụ cao gần 100m. Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp, Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về năng suất và sản lượng xuất khẩu lúa gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su, cá tra, hải sản... Việt Nam là quốc gia tự nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại vắc xin phòng các bệnh hiểm nghèo và tiêm chủng mở rộng, mới đây là vắc xin Rotavin; đã thành công trong lĩnh vực ghép tạng và đa tạng trên người, dẫn đầu khu vực về phẫu thuật nội soi, giải trình tự gen; đã làm chủ quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc. Chúng ta cũng đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và sử dụng vũ khí, khí tài, phương tiện hiện đại, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Và mặc dù còn nhiều khó khăn, xếp hạng thứ 132/142 trên thế giới về GDP, nhưng Việt Nam được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xếp hạng 76/142 quốc gia trên thế giới, và xếp thứ 7/37 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về trình độ đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, tiềm lực khoa học và công nghệ có bước phát triển nhanh. Cho đến nay cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 24,3 nghìn tiến sỹ, 101 nghìn thạc sỹ, trên 62 nghìn người làm R&D chuyên nghiệp. Các tổ chức KH&CN công lập trong những năm gần đây được chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nguồn lực tài chính dành cho KH&CN được duy trì mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước và tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN năm 2013 đạt khoảng 1,2% GDP, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp lớn thành lập quỹ phát triển KH&CN, đặc biệt có doanh nghiệp dành tới 20% thu nhập sau thuế cho hoạt động KH&CN. Hệ thống các khu công nghệ cao cũng đã được đầu tư phát triển, với 3 khu công nghệ cao quốc gia, 8 khu công viên phần mềm tập trung, 12 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương. Hạ tầng thông tin KH&CN đã có bước phát triển về chất trên cơ sở ứng dụng rộng rãi mạng Internet, mạng Vinaren và các thư viện điện tử.

Thứ tư, thị trường khoa học và công nghệ và các dịch vụ khoa học và công nghệ đã bước đầu hình thành, hứa hẹn tiềm năng lớn. Các quyền về tài sản trí tuệ, quyền giao dịch và mua bán công nghệ được Nhà nước bảo hộ. Hàng năm có trên 100 sáng chế của người Việt Nam được xác lập, hàng vạn nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam được bảo hộ. Dịch vụ tư vấn, giám định, định giá tài sản trí tuệ và công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được tăng cường. Các chợ công nghệ và thiết bị Techmart, hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ đã được triển khai, hoạt động hỗ trợ sáng kiến của người dân được quan tâm.

Thứ năm, hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với trên 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ; là thành viên của 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN; Bộ KH&CN có bộ phận đại diện ở 12 nước có trình độ phát triển cao; đã có hơn 80 hiệp định, thỏa thuận hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và cấp Bộ đã được ký kết và đang thực hiện. Mới đây ngày 6/5/2014 Việt Nam đã ký chính thức Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123) với Hoa Kỳ góp phần nâng cao năng lực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Để đạt được những thành tựu nổi bật nêu trên, trước hết phải kể đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước, mà biểu hiện cụ thể trong suốt chặng đường đổi mới vừa qua là Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Kết luận Trung ương 6 khóa IX, Thông báo của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, các bộ Luật về KH&CN và Luật KH&CN năm 2013, cùng hàng loạt cơ chế chính sách của Chính phủ. Đó cũng là sự nỗ lực không mệt mỏi trong lao động sáng tạo của các thế hệ trí thức KH&CN Việt Nam và những người dân say mê sáng tạo, đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, lập nên những kỳ tích về khoa học, kỹ thuật trong các cuộc kháng chiến cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng tôi cũng hiểu rất rõ những mặt yếu kém đang cản trở sự phát triển của KH&CN nước nhà, trong đó có việc chậm đổi mới tư duy trong quản lý hoạt động KH&CN của các cơ quan quản lý và ngay trong đội ngũ cán bộ KH&CN. Chúng tôi cũng nhận thức rõ những thách thức to lớn đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình hình căng thẳng ở biển Đông, đòi hỏi KH&CN Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng của đất nước, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Vì vậy, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 sẽ là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành khoa học và công nghệ. Nhiều hoạt động chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam lần đầu tiên đang diễn ra sôi nổi trên phạm vi toàn quốc, cho phép chúng ta hy vọng và tin tưởng tinh thần nghiên cứu và đổi mới sáng tạo KH&CN sẽ lan tỏa trong đời sống xã hội. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Bộ KH&CN và cộng đồng khoa học Việt Nam nguyện quyết tâm phấn đấu, xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, để KH&CN thực sự là động lực của sự phát triển nhanh và bền vững, vì một nước Việt Nam hùng cường và giàu mạnh.

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Trong không khí trang trọng của buổi Lễ hôm nay, tôi xin một lần nữa gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quý vị đại biểu, các nhà khoa học lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img