Thứ trưởng Trần Việt Thanh chủ trì Hội nghị
Đây là một diễn đàn khoa học được tổ chức với mục tiêu nhằm nắm bắt thông tin về thực trạng, những khó khăn và thách thức, những yêu cầu mới và đề xuất từ cơ sở thông qua các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi tại phiên họp, để công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của KH&CN nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Tham dự Hội nghị có các đại diện của 13 đơn vị thuộc Bộ KH&CN có chức năng nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nêu rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Đào tạo bồi dưỡng cán bộ là công tác hết sức quan trọng, xuất phát từ tầm quan trọng của cán bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cán bộ là nguồn gốc của mọi vấn đề. Thứ trưởng nhấn mạnh, tại Hội nghị này chưa kỳ vọng đưa ra được giải pháp đột phá, mà tập trung chủ yếu vào việc nắm bắt thông tin về thực trạng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, là dữ liệu ban đầu để xây dựng các phương án quản lý của Bộ KH&CN đối với công tác này.
Trên thực tế, hoạt động đào tạo bồi dưỡng tại Bộ KH&CN là một bức tranh đa màu sắc, gồm nhiều tổ chức tham gia dưới nhiều hình thức, thời lượng, nội dung và cấp độ đào tạo khác nhau. Cho tới nay, đa phần các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ và chứng nhận đào tạo bồi dưỡng như Trường Quản lý KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (TĐC), Cục Sở hữu trí tuệ, Cục An toàn và bức xạ hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN... Trong khi đó, một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN có hoạt động đào tạo dài hạn, cấp bằng sau đại học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ như Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Ứng dụng công nghệ. Qua các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội nghị, mỗi một hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại mỗi đơn vị đều có nét đặc thù riêng, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ nghề nghiệp của từng đơn vị đó. Đơn cử, các khóa đào tạo tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tập trung nhiều vào kỹ năng nghề nghiệp và phục vụ mục tiêu quản lý của nhà nước, đảm bảo tiêu chí kỹ thuật chuyên ngành, trong khi các khóa đào tạo tại Cục Sở hữu trí tuệ lại hướng nhiều vào khía cạnh thu hút sự quan tâm của các đối tượng, vận động và cung cấp thông tin, công cụ để học viên nhận thức tầm quan trọng của công tác sở hữu trí tuệ, hoặc các thủ pháp giải quyết vấn đề khi có tranh chấp xảy ra. Cũng như vậy, ở các hoạt động đào tạo dài hạn cấp bằng sau đại học, các đơn vị có một đặc trưng là để duy trì và phát triển công tác đào tạo, đơn vị phải có được hỗ trợ to lớn và sự gắn kết chặt chẽ của khối nghiên cứu, đặt song song bên cạnh khối đào tạo, với vai trò là tổ chức hỗ trợ chuyên môn, nhân lực giảng dạy, địa điểm thực tập và môi trường nghiên cứu cho các học viên. Tại các đơn vị này, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng dường như đã gắn chặt, hòa quyện một cách hữu cơ giữa đầu mối đào tạo và các đầu mối chuyên môn khác, rất khó để tách ra. Bức tranh về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn phong phú hơn với xu hướng tự chủ trong hoạt động này theo tinh thần Nghị định 115/2005/NĐ-CP ban hành ngày 05/09/2005. Theo thông tin cung cấp tại Hội nghị, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo tinh thần tự chủ đã diễn ra ở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có nguồn thu tới 9 tỷ/năm, trong khi Cục Sở hữu trí tuệ là 2 tỷ/năm, Phân viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là 1 tỷ/năm. So sánh với phần ngân sách cấp nhỏ bé, tại trường Quản lý KH&CN là 2 tỷ/năm, và các đơn vị đào tạo dài hạn trên dưới trăm triệu/năm. Các con số này cho thấy tính hướng thị trường đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của một số đơn vị là khá rõ, có nhu cầu từ xã hội và các đơn vị đó đã xây dựng năng lực để đáp ứng nhu cầu.
Nhằm thống nhất quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng, Bộ KH&CN đã ban hành Quy chế Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ KH&CN (Ban hành kèm theo Quyết định số 352 /QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN). Văn bản này đã thống nhất về mặt khái niệm và hoạt động mang tính kỹ thuật, song chưa đề cập tới việc tổ chức hoạt động và kế hoạch triển khai đào tạo, bồi dưỡng tổng thể của toàn Bộ KH&CN. Đây chính là mục tiêu dài hạn mà Hội nghị này hướng tới.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong sự nghiệp phát triển KH&CN như đáp ứng mục tiêu tự thân, cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội để ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, giúp lãnh đạo Bộ có chỉ đạo và quan tâm thích đáng với vai trò của công tác này, Thứ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ thu thập thông tin, thống nhất kế hoạch để tránh trùng lặp lãng phí trong hoạt động đào tạo, xây dựng các phương án và thống nhất các vấn đề để các giải pháp đưa ra phù hợp nhất với thực tiễn và yêu cầu.
Đây là hội nghị đầu tiên của Bộ KH&CN về vấn đề này, nhưng chưa phải là hội nghị sau cùng. Sẽ phải cần tổ chức tiếp các phiên hội nghị tiếp sau để đưa ra được phương án và giải pháp phát triển công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở những lĩnh vực mà Bộ KH&CN quản lý. /.
Huy Quang