Việt Nam với Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân La Hay

Thứ tư, 19/03/2014 08:16 GMT+7
Nhân dịp sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân La Hay (24-25/3/2014), Trang thông tin điện tử của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giới thiệu về những nội dung quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh La Hay và các đóng góp của Việt Nam dự kiến...

Năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng ở Việt Nam từ khá sớm. Nếu tính từ năm 1923 khi Bệnh viện K sử dụng các kim Radium để điều trị ung thư thì chúng ta đã có lịch sử gần 100 năm ứng dụng năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, chỉ gần đây sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình năm 2006 và đặc biệt khi Quốc hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 thì mới có thể xem như chúng ta đã chính thức có chính sách và chiến lược quốc gia về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Chúng ta chủ trương ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cả hai lĩnh vực phi năng lượng, tức là các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội, và lĩnh vực năng lượng, tức là phát triển điện hạt nhân. Hiện nay, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng công suất 4000 MW đang được triển khai xây dựng. Bảo đảm an toàn và an ninh là trách nhiệm của quốc gia và là ưu tiên hàng đầu mà chúng ta cần phải quan tâm khi triển khai phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Chúng ta đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dựa theo các hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của quốc tế, xây dựng và tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho công tác an ninh hạt nhân và xây dựng văn hóa an ninh ở các cơ quan có liên quan. So với an toàn hạt nhân, thì vấn đề an ninh hạt nhân mới được quốc tế quan tâm gần đây. Vì vậy, chúng ta cũng đang ở trong quá trình xây dựng và hoàn thiện năng lực bảo đảm an ninh hạt nhân. Trong quá trình này chúng ta đã nhận được sự hợp tác và giúp đỡ rất hiệu quả của IAEA và các nước phát triển đi trước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc.

Các chủ đề quan trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này là: i) Giảm thiểu hơn nữa các vật liệu hạt nhân có thể được sử dụng để chế tạo thiết bị nổ hạt nhân bằng cách bảo đảm cân bằng cung cầu, chuyển hóa, chuyển trả lại nước chế tạo,…; ii) Mối quan hệ, trách nhiệm của Chính phủ, Giới công nghiệp và Cơ quan pháp quy hạt nhân trong việc bảo đảm thực thi các biện pháp an ninh hạt nhân hiệu quả; iii) Tăng cường thể chế an ninh hạt nhân quốc tế được thiết lập bởi các quốc gia, có các cam kết về luật pháp và tổ chức tương tự như IAEA, xây dựng các hướng dẫn và các kinh nghiệm thực tiễn tốt để hướng dẫn các nước, thực hiện các hoạt động R&D, huấn luyện và đào tạo cán bộ,… Ngoài ra, Hội nghị này cũng hy vọng sẽ được chứng kiến các kết quả thu được từ các sáng kiến của các Hội nghị trước và đặc biệt là đề xuất các sáng kiến mới, trong đó rất được lưu ý là sáng kiến về tăng cường thực thi an ninh hạt nhân.

Với nhận thức tai nạn hạt nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, vì vậy Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn và an ninh hạt nhân, tuy nhiên trách nhiệm chính về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân vẫn là thuộc về các quốc gia. Các vấn đề về an ninh nguồn phóng xạ, chống buôn bán bất hợp pháp vật liệu hạt nhân, kiểm soát an ninh hạt nhân tại các cửa khẩu, giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hạt nhân độ giàu cao và vấn đề bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân là những chủ đề mà Việt Nam rất quan tâm, mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với các nước về xây dựng khuôn khổ luật pháp, cơ quan quản lý, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa an ninh hạt nhân. Ngoài ra, việc duy trì tính bền vững của kết quả đã đạt được tại các Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân thông qua các cơ chế thích hợp sẽ được thống nhất tại Hội nghị này cũng là vấn đề mà chúng ta quan tâm, đặc biệt là vai trò trung tâm của IAEA trong vấn đề an ninh hạt nhân.

Tham gia Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này, Việt Nam sẽ cùng với một số nước dự kiến đề xuất 6 sáng kiến, cụ thể là (i) Cách tiếp cận toàn diện về an ninh hạt nhân; (ii) Loại bỏ uran có độ làm giàu cao (HEU); (iii) Lập các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân; (iv) Tăng cường việc thực thi an ninh hạt nhân; (v) An ninh các nguồn phóng xạ; và (vi) Tăng cường an ninh hệ thống cung ứng đường biển. Việt Nam cũng sẽ ủng hộ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân do Hoa Kỳ đăng cai vào năm 2016. Ngoài ra, Việt Nam sẽ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của mình về rất nhiều các hoạt động và kết quả đã thu được từ Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần trước được trình bày trong Báo cáo quốc gia mà nội dung chính đã được Trang thông tin điện tử của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giới thiệu trong bài “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế về an ninh hạt nhân”.

Nói về ý nghĩa của Hội nghị lần này, chúng ta thấy rằng: Nếu Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Washington năm 2010 là một thành công với việc các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đã ngồi lại với nhau để trao đổi về vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu và ở Hội nghị lần thứ 2 tại Seoul, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước đã thống nhất đưa ra các giải pháp mang tính định hướng hành động và mở rộng chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh, thì Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là một cơ hội có ý nghĩa để các nhà lãnh đạo quốc gia trao đổi về các thành tựu đã đạt được trong hơn 4 năm qua về an ninh hạt nhân trên cơ sở các nội dung đã thống nhất ở Tuyên bố chung của các Hội nghị Thượng đỉnh lần trước. Đối với Việt Nam trong 4 năm qua chúng ta đã có một bước tiến rất lớn trong việc tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân. Vì vậy ở Hội nghị này chúng ta có thể chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm của mình cũng như khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm thực hiện thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img