Tham dự tọa đàm có GS Hoàng Văn Phong- Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, ông Huỳnh Văn Nhị- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, cùng một số nhà quản lý từ Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN, và đại diện chính quyền địa phương và hơn 20 doanh nghiệp xuất sắc trong đổi mới sáng tạo trong cả nước.
Tọa đàm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, trao đổi về các vấn đề trong thực tiễn đổi mới sáng tạo; những vướng mắc và hạn chế trong cơ chế và chính sách hiện hành để hướng tới xây dựng và hoàn thiện những chính sách quản lý và hỗ trợ của Nhà nước phù hợp hơn với thực tiễn, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.
Thực tế cho thấy, tuy tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, môi trường kinh doanh xấu đi nhưng một số doanh nghiệp vẫn thu được những thành công nhờ dám mạnh dạn đổi mới KH&CN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Có thể kể đến những mô hình đáng nhân rộng như Gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, bóng đèn phích nước Rạng Đông, thiết bị vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy An Sinh Xanh…
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp ghi nhận sự nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho việc đổi mới, sáng tạo, triển khai nghiên cứu, áp dụng KH&CN phục vụ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp KH&CN, song dường như các chính sách này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần có một hệ thống chính sách phục vụ đổi mới sáng tạo, đó là: bộ máy hành chính phải chuyên nghiệp, có trách nhiệm, tôn trọng sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đó là nhà khoa học cần phải có tố chất của doanh nghiệp. Khi đã có kết quả nghiên cứu, nhà khoa học cần chủ động tìm đến khách hàng và nếu bị từ chối thì hãy xem đó là chuyện bình thường vì đó là quy luật thị trường. Nhà nước nên tập trung đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mà đứng đầu là một nhà khoa học có uy tín, có tư duy doanh nghiệp, có như vậy, sản phẩm nghiên cứu mới nhanh chóng đến với cuộc sống.
Một số kinh nghiệm đầu tư cho KH&CN phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp thành công cũng đã được trao đổi tại tọa đàm như sự mạnh dạn chuyển đổi mô hình của Viện Dầu khí, đầu tư và đào tạo nguồn lực của tập đoàn Mỹ Lan, Trung tâm R&D của công ty Rạng Đông, hay ý tưởng tổ chức Viện Nghiên cứu Cà phê Toàn cầu của Tập đoàn Trung Nguyên…
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Ông cũng ghi nhận những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đã và đang phải đối diện, thừa nhận thực tế là lâu nay nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa thực sự đi vào đời sống. Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị Bộ KH&CN tiếp thu các kiến nghị từ doanh nghiệp và các chuyên gia, nhằm nghiên cứu đưa ra những đề xuất chính sách phục vụ hiệu quả hơn cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mà cụ thể gần nhất sẽ là Luật KH&CN sửa đổi.