“Tôi mong nghiên cứu cơ bản vẫn có không gian để phát triển”

Thứ sáu, 11/09/2015 13:30 GMT+7
Đây là một trong nhiều ý kiến của các nhà khoa học trẻ tham dự buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ ngày 11/9/2015. Phóng viên đã kịp trao đổi với một số bạn từng tu nghiệp ở nước ngoài nhằm tìm hiểu công việc của họ cũng như những đánh giá của họ về...

TS. Nguyễn Quang Hưng (Đại học Tân Tạo):


Tôi chuyên nghiên cứu về vật lý hạt nhân lý thuyết (theoretical nuclear physics), tức hoàn toàn theo hướng nghiên cứu cơ bản. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ và thực tập sau Tiến sĩ ở Nhật Bản, tôi đã tham gia nghiên cứu và công bố khá nhiều công trình nghiên cứu, điển hình là bốn công trình công bố trên Tạp chí Physical Review C- tạp chí nghiên cứu hàng đầu về vật lý hạt nhân của Hội Vật lý Hoa Kỳ. Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc về kinh tế thế giới bởi họ có những chính sách đầu tư rất mạnh mẽ và bài bản cho nghiên cứu khoa học, trong đó không phân biệt nghiên cứu khoa học ứng dụng hay nghiên cứu cơ bản. Đa số các giải thưởng Nobel mà Nhật Bản dành được xuất phát từ những công trình nghiên cứu cơ bản về vật lý, hoá học, y học... Một trong những điều quan trọng trong chính sách đối với các nhà khoa học làm nghiên cứu cơ bản của đất nước Mặt trời mọc, đó là họ có quyền tự do nghiên cứu những gì mà họ thấy thích mà không bị ép buộc phải theo một hướng nào cả. Ngoài ra, cuộc sống của những nghiên cứu viên này luôn được đảm bảo ở mức trung lưu để họ có thể tập trung toàn bộ chất xám của họ vào việc nghiên cứu.

Tôi nghĩ nghiên cứu cơ bản rất quan trọng. Thực tế qua hàng trăm năm phát triển của nhân loại đã cho thấy, rất nhiều thành tự khoa học mà chúng ta được hưởng thụ ngày nay như điện, điện thoại, internet… đều xuất phát từ những phát minh mà mục đích ban đầu chỉ xuất phát từ sự tò mò muốn tìm hiểu, khám phá các hiện tượng thiên nhiên của các nhà khoa học, sau này được gọi là nghiên cứu cơ bản. Do vậy, nghiên cứu cơ bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển lâu dài và bền vững của một đất nước. Tuy phải mất nhiều thời gian mới nhận thấy được giá trị thực tế của các nghiên cứu cơ bản nhưng khi đã được khám phá thì giá trị về mặt kinh tế, khoa học hay xã hội của những nghiên cứu này là vô hạn. Khi đánh giá sự phát triển của một đất nước liệu có bền vững hay không, người ta thường nhìn vào số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ các nhà nghiên cứu, trong đó số lượng các công trình nghiên cứu cơ bản đóng vai trò rất quan trọng.

TS. Phạm Hoàng Hiệp (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam):

Tôi từng tham gia các chương trình nghiên cứu toán học tại Italia và Pháp. Tại những nước có nền công nghiệp phát triển này, khoa học cơ bản luôn được quan tâm và đầu tư phát triển đúng mức. Từ sự phát triển bền vững của khoa học cơ bản, các công nghệ sản xuất mới, tiên tiến luôn luôn được ứng dụng vào đời sống thực tế, tạo ra những năng suất lao động cao hơn, giảm tiêu hao năng lượng và vật liệu, giảm giá thành thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển. Tại Việt Nam, tôi đã được quỹ Nafosted tài trợ cho chương trình phát triển một nhóm nghiên cứu gồm các thành viên là các giảng viên ở các trường đại học về giải tích và hình học. Đây là một chương trình rất lý thú.

Khoa học cơ bản, theo tôi, là những kiến thức cơ bản nhất để giúp chúng ta lý giải những hiện tượng khoa học tự nhiên, tìm ra quy luật tất yếu của nó để từ đó vận dụng vào đời sống và phát triển sản xuất. Nghiên cứu cơ bản giúp khám phá quy luật và tạo ra lý thuyết mới giúp khoa học ứng dụng một cách sáng tạo các nguyên lý và giải pháp ứng dụng trong công nghệ mới, đồng thời làm tiền đề cho những nghiên cứu phát triển công nghệ mới tiên tiến hơn. Đồng thời, khoa học cơ bản đóng góp rất lớn vào nền giáo dục, giúp con người hiểu biết về các lĩnh vực khoa học tự nhiên một cách sâu sắc, có hệ thống và góp phần đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức cơ bản vững vàng.

Ngoài ra, khoa học cơ bản còn giúp nâng tầm hiểu biết của con người về thế giới vật chất khách quan cũng như giúp con người những định hướng phát triển trong tương lai. Trong lịch sử của con người, khoa học cơ bản và ứng dụng đã đồng thời phát triển, là động lực của nhau, cùng hỗ trợ lẫn nhau. Cả hai đều có những vai trò riêng như: khoa học cơ bản giúp con người hiểu biết về quy luật của thế giới vật chất để từ đó khoa học ứng dụng tìm ra những ứng dụng thực tế vào cuộc sống của con người.

Đồng thời, khoa học cơ bản đóng góp rất lớn vào nền giáo dục, giúp con người hiểu biết về các lĩnh vực khoa học một cách sâu sắc và có hệ thống. Chúng ta nói cụ thể về một lĩnh vực như toán học. Toán học đã mô tả thế giới hiện thực bằng những con số, những mô hình trong toán học. Toán học giúp chúng ta nhận thức về thế giới vật chất từ đơn giản đến phức tạp với một cách nhìn chính xác và logic. Trong lĩnh vực tin học, toán học xuất hiện rất nhiều dưới dạng các thuật toán, như bức ảnh được đồng nhất với một ma trận pixel, … Như vậy, toán học cùng với các lĩnh vực khoa học cơ bản khác đã giúp chúng ta hiểu và tìm ra những quy luật về thế giới vật chất, từ đó tìm ra những ứng dụng trong cuộc sống.

TS. Phạm Thị Tuyết Nhung (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam):

Vai trò của nghiên cứu cơ bản thường xuyên được đưa ra bàn luận trong sự so sánh với nghiên cứu ứng dụng vốn là những nghiên cứu có thể tạo ra lợi ích cụ thể trước mắt hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng, khoa học được tạo nên bởi nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; chúng có quan hệ tương hỗ và cần có nhau để phát triển. Chúng ta không nên đối lập hay phân biệt thứ bậc giữa chúng. Việc đánh giá nghiên cứu tốt hay không tốt không thể hiện qua chủ đề mà ở chất lượng, năng lực, sự sáng tạo của nhà khoa học thực hiện nghiên cứu. Trong lịch sử khoa học, rất nhiều ứng dụng thực tế bắt nguồn từ nghiên cứu cơ bản và rất nhiều nghiên cứu ứng dụng xuất phát từ những phát minh với mục đích ban đầu không phải là tìm ra ứng dụng trước mắt. Có thể kể ra một số ứng dụng khá phổ biến của nghiên cứu cơ bản là ứng dụng phóng xạ trong y tế, điện hạt nhân, mạng world-wide-web, hệ thống định vị toàn cầu…

Khi sang Pháp học tập, tôi thực hiện nghiên cứu cho đề tài luận án tiến sĩ thuộc lĩnh vực tia vũ trụ năng lượng cao trong khuôn khổ hợp tác với Đài thiên văn Pierre Auger (PAO). Theo những gì tôi thấy ở Pháp, các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa để phát huy năng lực của mình. Họ làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp với sự trợ giúp tích cực từ các bộ phận khác, được trả lương xứng đáng để có thể tập trung hoàn toàn cho khoa học. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, với nguồn lực còn hạn chế, việc xác đinh các hướng nghiên cứu ưu tiên là một quyết định quan trọng của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi mong rằng, nghiên cứu cơ bản vẫn có không gian để phát triển.


Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img