Hội thảo kỹ thuật về các bài học rút ra từ chương trình chuyển trả nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng nghiên cứu do Nga chế tạo

Thứ hai, 23/06/2014 14:15 GMT+7
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam, IAEA, Nga và Hoa Kỳ về chuyển đổi nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt từ nhiên liệu độ giàu cao (HEU) sang nhiên liệu độ giàu thấp (LEU), tháng 7/2013 Việt Nam đã thực hiện thành...

Để tổng kết và rút kinh nghiệm về việc triển khai thực hiện Chương trình này với các nước sử dụng lò phản ứng do Nga chế tạo, IAEA đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tổ chức Hội thảo kỹ thuật về các bài học rút ra từ chương trình chuyển trả nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng nghiên cứu do Nga chế tạo tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 18-20/6/2014. Hội thảo có sự tham gia của 85 chuyên gia, trong đó chuyên gia các nước có 75 người gồm đại diện của IAEA, Hoa Kỳ, Nga và các nước có sử dụng lò phản ứng nghiên cứu do Nga chế tạo với nhiên liệu độ giàu cao là Belarus, Bulgaria, Czech, Đức, Hungary, Kazahkstan, Latvia, Libya, Poland, Romania, Serbia, Ukaine, Uzbekistan.

Chương trình chuyển đổi nhiên liệu này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến giảm thiểu đe dọa toàn cầu (GTRI) được Hoa Kỳ đề xuất từ năm 2004, trong đó có việc chuyển đổi nhiên liệu các lò phản ứng do Hoa Kỳ và Nga chế tạo từ sử dụng loại HEU sang loại LEU và đưa về lại nước sản xuất (Hoa Kỳ và Nga) các nhiên liệu HEU chưa sử dụng và nhiên liệu HEU đã sử dụng tại các lò phản ứng nghiên cứu của các nước. Tổng số nước có lò phản ứng nghiên cứu thuộc loại phải tham gia chương trình này là 27 nước, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay đã có 12 nước hoàn thành việc thực hiện chương trình này, 88 lò phản ứng và thiết bị sản xuất đồng vị phóng xạ đã thực hiện thành công việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu HEU sang nhiên liệu LEU. Riêng các nước sử dụng lò phản ứng do Nga chế tạo phải tham gia chương trình này là 14 nước. Để thực hiện chương trình này với các lò phản ứng của Nga, thì Nga đã ký các thỏa thuận với Hoa Kỳ và các nước, trong đó có thỏa thuận với Việt Nam về vận chuyển các nhiên liệu HEU đã sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về Nga (ký ngày 16/3/2012). Hiện nay, đối với các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân do Nga chế tạo đã thực hiện chuyển về Nga 790 kg nhiên liệu HEU chưa sử dụng và 1208 kg nhiên liệu HEU đã sử dụng. Như vậy theo kế hoạch sẽ còn 454 kg nhiên liệu HEU đã sử dụng sẽ được tiếp tục thực hiện chuyển trả về Nga từ nay cho đến năm 2019. Kế hoạch tương tự cũng sẽ được thực hiện với các lò phản ứng do Hoa Kỳ chế tạo và cũng kết thúc vào năm 2019. Chương trình này đã dành được sự quan tâm rất lớn của nguyên thủ các quốc gia, đặc biệt sau Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Washington 2010, Seoul 2012 và La Hay 2014. Nếu như sau 13 năm từ 1996 đến 2009 sau khi Hoa Kỳ đề xuất việc thực hiện chuyển đổi nhiên liệu HEU chỉ có 15 nước tham gia thực hiện chương trình này, thì từ sau Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Washington 2010 đến nay, trong vòng có 4 năm, đã có thêm 12 nước tham gia chương trình này. Đây là một kết quả quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân trong việc thúc đẩy chương trình chuyển đổi nhiên liệu HEU của các lò phản ứng và thiết bị sản xuất đồng vị phóng xạ trên thế giới sử dụng nhiên liệu HEU.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia của IAEA, Hoa Kỳ và Nga đã chia sẻ các thông tin chung về vấn đề an ninh hạt nhân và tình hình triển khai chương trình này trên toàn cầu đối với các lò phản ứng nghiên cứu do Hoa Kỳ và Nga chế tạo. Các nước tham gia Hội thảo đã trình bày các bài học kinh nghiệm được rút ra khi thực hiện chương trình chuyển trả nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng nghiên cứu do Nga chế tạo nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như các bài học để các nước chưa hoàn thành chương trình này sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thành công nhằm mục tiêu hoàn thành chương trình này vào năm 2019. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã trình bày về việc triển khai thực hiện chương trình này, các bài học kinh nghiệm được rút ra về công tác chuẩn bị, nghiên cứu, đào tạo cán bộ và sự phối hợp của các cơ quan có liên quan khi triển khai thực hiện chương trình này.

- Tệp đính kèm: Các hình ảnh về việc thực hiện chương trình này của Việt Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img