Hội thảo Cập nhật Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp

Thứ bẩy, 13/12/2014 10:13 GMT+7
Từ ngày 9-10/12/2014, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo Cập nhật Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP). Cục trưởng Vương Hữu Tấn đã đến dự và phát biểu...

Tham dự Hội thảo có ông Khammar Mrabit, Giám đốc Ban An ninh hạt nhân của IAEA và các đại biểu trong nước đến từ các đơn vị có liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng Cục Hải quan.
Mục đích của Hội thảo nhằm thảo luận với các Bộ, ngành có liên quan, rà soát và cập nhật Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) để tiếp tục triển khai các hoạt động an ninh hạt nhân (ANHN) tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Vương Hữu Tấn cho biết, là quốc gia có quan điểm nhất quán chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế như đóng góp tại các Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân và cam kết bảo đảm an ninh hạt nhân là ưu tiên hàng đầu, ưu tiên hợp tác với IAEA xây dựng Kế hoạch Hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) và thực hiện theo Kế hoạch này. Theo Cục trưởng, trong những năm qua, nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ của IAEA đã được thực hiện dựa trên bản Kế hoạch này và đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường an ninh hạt nhân tại Việt Nam như hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hội thảo, đào tạo và thiết lập mạng an ninh hạt nhân tích hợp trong đó các cổng phát hiện bức xạ đã được lắp đặt tại Sân bay quốc tế Nội Bài và kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Tổng cục Hải quan và Trạm Hỗ trợ cảnh báo phóng xạ tại Cục ATBXHN. Việc cập nhật INSSP là hết sức cần thiết nhằm phản ánh đúng tình hình thực tế và sự tiến triển của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hạt nhân để trên cơ sở đó, IAEA có hoạt động hỗ trợ phù hợp.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Khammar Mrabit nhấn mạnh đảm bảo ANHN là trách nhiệm của mỗi quốc gia nên việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia là rất quan trọng. IAEA với vai trò trung tâm của mình về ANHN và yêu cầu quốc tế phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên có các hoạt động hỗ trợ trong việc đảm bảo ANHN như xây dựng các bộ tiêu chuẩn và trên yêu cầu của mỗi nước hỗ trợ thiết bị, đào tạo, đánh giá tư vấn trong lĩnh vực ANHN. Để hỗ trợ hiệu quả, IAEA đã phối hợp với các quốc gia thành viên xây dựng và triển khai các hoạt động dựa trên INSSP. Ông cũng đánh giá cao các hoạt động tích cực của Việt Nam trong bản INSSP trong thời gian qua.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia IAEA trình bày về các hoạt động về ANHN của IAEA, các hỗ trợ của IAEA đối với Trung tâm hỗ trợ ANHN, tổng quan về Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) và đại diện Cục ATBXHN trình bày đánh giá các hoạt động trong khuôn khổ INSSP của Việt Nam. Hội thảo diễn ra với các phiên làm việc và thảo luận bàn tròn về các nhiệm vụ mới, xem lại, đề xuất các hoạt động cần thiết của từng cơ quan, xác định và chỉ định các cơ quan có trách nhiệm cho các nhiệm vụ cụ thể, khung thời gian cần thiết để thực hiện nhằm cập nhật INSSP của Việt Nam.

Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) được xây dựng theo yêu cầu quốc gia của mỗi nước thành viên nhằm xác định và tổng hợp các nhu cầu về ANHN của quốc gia để đưa ra các hoạt động cần thiết để cải tiến về ANHN dựa trên các tài liệu về ANHN của IAEA nhằm cung cấp một khung tuỳ chỉnh cho việc điều phối và thực hiện các hoạt động ANHN do quốc gia, đối tác tiềm năng và IAEA thực hiện trong 5 lĩnh vực chức năng: khung pháp lý và pháp quy, ngăn chặn, phát hiện, ứng phó và đảm bảo bền vững. Hiện có 63 INSSP đã được phê duyệt và đang thực hiện. Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) từ năm 2011./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img