Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

Thứ năm, 20/04/2023 09:25 GMT+7

Ngày 18/4/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Tọa đàm “Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ” và Lễ ra mắt dự án cộng đồng “Nền tảng kết nối cung - cầu công nghệ: TechTrust.vn”. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình hướng đến chào mừng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Mục đích của tọa đàm nhấn mạnh vai trò sở hữu trí tuệ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, làm rõ hơn về vị trí, vai trò của tổ chức trung gian trong chuyển giao công nghệ, góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án cộng đồng Nền tảng kết nối cung - cầu công nghệ nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ chia sẻ, tìm hiểu về nhu cầu chuyển giao, kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được hoạch định là khu công nghệ cao quốc gia chuyên về nghiên cứu, phát triển công nghệ. Bước sang giai đoạn phát triển mới, để có những bước chuyển mình vượt bậc, hiện Khu Công nghệ cao đang từng bước đẩy mạnh tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các sản phẩm công nghệ; phát triển hệ sinh thái toàn diện với tư duy mở, thu hút các tài năng công nghệ đến nghiên cứu và làm việc.
 

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát biểu khai mạc Tọa đàm.

 “Chúng tôi hướng tới hình thành và phát triển thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng khoa học và công nghệ, mô hình kinh doanh mới tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia” - ông Trần Đắc Trung nhấn mạnh.

Tính đến nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376ha. Trong đó có hơn 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa...

Ông Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang hoàn thiện cần ưu tiên phát triển năng lực nhằm bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (đường biên công nghệ) thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng tạo ra công nghệ mới thông qua nghiên cứu và triển khai. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới sáng tạo từng bước để nâng cao hiệu quả, năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 

Ông Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Nguyễn Trường Phi cũng khuyến nghị, hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích đi kèm với điều kiện để đẩy mạnh chuyển giao, lan tỏa công nghệ từ các dự án FDI; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp, các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ; chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai các hoạt động giới thiệu, trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ; nâng cao nhận thức về công nghệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhận thức về vai trò và vị trí của tài sản trí tuệ.
 

Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Tọa đàm.

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Kkhoa học và Công nghệ): công nghệ tốt không chỉ mang lại giải pháp tốt mà còn phải được bảo hộ và bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ. Đây là “cứu cánh” duy nhất về mặt pháp lý cho độc quyền công nghệ. Công nghệ được bảo hộ sẽ được các đơn vị, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng bởi thông tin công nghệ được cung cấp chính xác và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe các nội dung liên quan đến xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức...
 

Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ và các đối tác.

Ngay sau tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ và các đối tác gồm: BK Fund, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Làng Công nghệ sinh thái (EcoTech) TechFest Việt Nam, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Liêm chính Quốc qia (VISC), Bess Business School, Trung tâm Siêu dữ liệu và xác thực số (MEDC).

Cũng tại sự kiện đã diễn ra Lễ ra mắt Dự án cộng đồng Nền tảng kết nối cung - cầu công nghệ Techtrust.vn. Techtrust.vn là dự án cộng đồng kết nối cung - cầu công nghệ Việt Nam, liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân cần công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Sứ mệnh của Techtrust.vn là tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra sự đột phá trong việc giải quyết các vấn đề xã hội./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img