Trang bị cho sinh viên kiến thức về sở hữu trí tuệ

Thứ hai, 17/04/2023 16:36 GMT+7

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 26/4/2023, tọa đàm khoa học “Sinh viên Luật tìm hiểu về sở hữu trí tuệ” đã được tổ chức vào ngày 14/4/2024 tại Hà Nội. Tọa đàm do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 150 sinh viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Chương trình Toạ đàm đã lựa chọn các chủ đề hấp dẫn về SHTT nhằm thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của các giảng viên, học viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên... ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật học. Sinh viên nói chung, sinh viên của Trường Đại học Luật nói riêng đã tham gia tích cực, trao đổi học thuật sôi nổi đầy hứng thú.


 
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2023, Tổ chức SHTT thế giới  (WIPO) đã công bố chủ đề của Ngày SHTT thế giới: "Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo" đề cao sức sáng tạo của phụ nữ, khuyến khích phụ nữ và thế hệ trẻ như các nhà sáng chế, những người sáng tạo nội dung, các doanh nhân trẻ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ SHTT.
 


PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu khai mạc tại buổi Toạ đàm.

TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh: Một trong những cách thức quan trọng để SHTT đi vào cuộc sống là thông qua hoạt động đào tạo của sinh viên. Sinh viên khi được khơi dậy và khuyến khích tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng công cụ SHTT thì sau khi ra trường, với kiến thức và kỹ năng về SHTT sẽ hỗ trợ các em lập nghiệp tốt hơn...
 


Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh: SHTT cần đi vào cuộc sống một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Chia sẻ thông tin tổng quan về SHTT - vai trò và xu hướng, bà Đoàn Thiều Trang, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ tư vấn, Cục SHTT cho biết, SHTT đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc khuyến khích đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; gia tăng nguồn tri thức cho xã hội, đảm bảo cơ hội thụ hưởng cho công chúng; hỗ trợ phát triển bền vững; và gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa.
Theo bà Đoàn Thiều Trang, xu hướng phát triển gần đây của hệ thống SHTTcho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thể hiện ở việc dẫn đầu của các lĩnh vực công nghệ, nhóm sản phẩm hàng hoá và dịch vụ về số đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu theo các hệ thống đăng ký quốc tế về sáng chế và nhãn hiệu do WIPO quản lý. Cụ thể, theo các số liệu do WIPO công bố, nhóm các sản phẩm và dịch vụ có số đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế lớn nhất gồm: phần cứng, phần mềm máy tính, điện và điện tử chiếm 11,3%; dịch vụ kinh doanh chiếm 8,8%; dịch vụ khoa học và công nghệ chiếm 8,5%. Trong khi đó, số đơn đăng ký sáng chế quốc tế cao nhất theo lĩnh vực công nghệ có thể kể đến như truyền thông số chiếm 6,1%, công nghệ máy tính chiếm 8,1%. Hiện nay đang có một số thách thức đối với hệ thống SHTT trong việc bảo hộ quyền đối với kết quả của hoạt động sáng tạo do trí tuệ nhân tạo (Al) tạo ra; bảo hộ sáng chế, quyền tác giả đối với các chương trình máy tính; bảo hộ quyền SHTT trong thế giới ảo…
Bàn về bảo hộ quyền SHTT trong trường đại học - những vấn đề cần lưu ý đối với sinh viên, TS Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, hiện nay những hành vi xâm phạm quyền SHTT phổ biến của sinh viên là: sao chép trái phép tác phẩm của người khác; làm tác phẩm phái sinh trái phép; truyền đạt tác phẩm đến công chúng trái phép; xâm phạm quyền thân nhân của tác giả như: quyền đứng tên trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn được nghe những chia sẻ rất thực tế của luật sư Lê Xuân Lộc, Công ty Luật Tilleke & Gibbin về nghề luật, những khó khăn và cơ hội của nghề cùng những lời khuyên hữu ích hướng dẫn các em chuẩn bị kỹ năng, kiến thức tốt nhất trong hành nghề luật sư về SHTT.
Tại buổi toạ đàm, nhiều sinh viên đã đưa ra các câu hỏi và được các chuyên gia giải đáp chia sẻ thông tin như: bảo hộ quyền SHTT liên quan đến AI; tri thức truyền thống; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho các sản phẩm nông nghiệp; các biện pháp hành chính bảo vệ quyền SHTT; bảo hộ sáng chế liên quan tới chương trình máy tính…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img