Phiên họp thứ nhất Ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ giai đoạn III

Thứ năm, 05/11/2020 11:48 GMT+7

Ngày 4/11/2020, tại Hà Nội, Chương trình hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình Hành động 168) giai đoạn III đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất và Tọa đàm triển khai chương trình phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 2020 - 2022.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam; Đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Bộ KH&CN, Công an Thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và đông đủ các thành viên của Ban Thường trực Chương trình 168 giai đoạn III.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc phiên họp
 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc và Ông Marcus Winsley nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong công tác thực thi quyền SHTT trong đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
 

Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam phát biểu khai mạc phiên họp.


Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ, trên cơ sở sự phát triển của lĩnh vực SHTT (thể hiện qua Chiến lược SHTT đến năm 2030, Luật SHTT sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2021) các Bộ, ngành thành viên sẽ phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề, vụ việc cụ thể.

Tại phiên họp, Bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng ban, Ban Thường trực Chương trình 168 giai đoạn III đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc thành lập Ban thường trực. Theo đó Ban thường trực gồm 20 thành viên đại diện cho 09 bộ, ngành. Hoạt động phối hợp tập trung vào hợp tác trong xây dựng và thực thi pháp luật; phối hợp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp hành chính, dân sự và hình sự trong phòng, chống xâm phạm quyền SHTT, báo cáo, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, nâng cao năng lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng.

Các đại biểu tham dự phiên họp cũng đã thảo luận dự thảo Quy chế hoạt động của Ban thường trực, triển khai hoạt động Chương trình năm 2020 và đề xuất kế hoạch hoạt động của những năm tiếp theo.

Ngay sau phiên họp lần thứ nhất, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN và Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam (là đơn vị đại diện cho Chính phủ Anh thực hiện Dự án Phát triển trong lĩnh vực Tài chính và SHTT – FSIP trong khuôn khổ Quỹ Thịnh Vượng) tổ chức Tọa đàm về kinh nghiệm phối hợp trong thực thi quyền SHTT tại một số quốc gia.
 

Toàn cảnh Tọa đàm về kinh nghiệm phối hợp trong thực thi quyền SHTT tại một số quốc gia.

Tại Tọa đàm, đại diện cơ  quan SHTT Vương quốc Anh (UKIPO), đại diện Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam và các bộ, ngành chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong công tác thực thi quyền SHTT và cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác này.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 

Trên cơ sở kết quả đáng ghi nhận của Chương trình 168 giai đoạn I và giai đoạn II, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/3/2019, 09 Bộ, ngành (bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) đã tiếp tục cùng nhau ký kết Chương trình 168 giai đoạn III (2019-2023).

Mục tiêu chung của giai đoạn III Chương trình 168 là phối hợp một cách toàn diện, thường xuyên và kịp thời nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong tham mưu và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Bộ KH&CN dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu, phân tích để tìm ra các giải pháp hiệu quả để phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Các cơ quan thuộc Bộ KH&CN bao gồm Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ cũng đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước, cũng như phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong các hoạt động quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img