Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

Thứ tư, 29/07/2020 16:33 GMT+7

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật quốc gia

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Năm 2019 đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó nổi bật nhất là việc xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ và Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.



Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và các đại biểu tham dự Phiên thảo luận “Làm gì để thực thi hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA”

 

Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/8/2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành liên quan và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực này. Sự kiện đã khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam để các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2019 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời nội luật hóa các nghĩa vụ phải thi hành ngay trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019. Các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ trong Luật này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: cách thức nộp đơn; sáng chế; nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sau khi Luật được ban hành, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức những cuộc hội thảo, tọa đàm để phổ biến và hướng dẫn thi hành chính sách, pháp luật cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.

Cùng với việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành cam kết theo Hiệp định CPTPP, trong năm 2019 Cục Sở hữu trí tuệ cũng tiếp tục tiến trình lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với mục tiêu giải quyết các vướng mắc và bất cập sau hơn 10 năm thi hành, cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật đã được trình xin ý kiến Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021.

Cùng với việc chủ trì và phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ cũng thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo, bao gồm: 01 công ước (Công ước về Công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại), 3 đạo luật (Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh Nghiệp, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án), 4 nghị định (Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự; Nghị định về quản lý phân bón), 10 thông tư (Thông tư về nhãn hàng hóa; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư về giá trị hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Thông tư về hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Thông tư về quản lý, sửa dụng mã số, mã vạch và truy suất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa...) và nhiều văn bản pháp luật khác có nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ thường xuyên thực hiện việc giải đáp và hướng dẫn thực hiện pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các Sở Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp như giải đáp vướng mắc về việc rút ngắn thời gian thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; về đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ; về thay đổi ủy quyền đại diện sở hữu công nghiệp; về phương án xử lý các đơn không đáp ứng quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài; về quy định pháp luật liên quan đến đơn chuyển đổi do đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực theo Điều 9 của Nghị định thư Madrid...


Xây dựng chính sách, pháp luật quốc tế

Năm 2019, công tác pháp chế và chính sách quốc tế chủ yếu tập trung vào hai hoạt động cơ bản là tham gia đàm phán nội dung về sở hữu trí tuệ trong một số hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị cho quá trình ký kết, phê chuẩn các Hiệp định đã kết thúc đàm phán.

Cụ thể, đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và EU (Hiệp định EVFTA): Rà soát pháp lý Hiệp định với pháp luật VN; tham gia xây dựng Báo cáo nghiên cứu về đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến Hiệp định EVFTA với chủ đề “Hiệp định EVFTA - một số cam kết quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý”...

Đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân (Hiệp định RCEP): Xây dựng phương án đàm phán Chương sở hữu trí tuệ và tham gia 6 phiên đàm phán; xây dựng phương án kết thúc đàm phán Chương sở hữu trí tuệ; nêu ý kiến về các nội dung pháp lý và thể chế và các nội dung liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ, phi dịch vụ, đầu tư...

Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA (Khối Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu bao gồm Thụy sỹ, Lich-ten-xtai, Na-uy và Ai-xơ-len): Cục góp ý Danh mục bảo lưu các biện pháp ngoại lệ đối với nghĩa vụ của Chương Đầu tư; tham gia 01 phiên đàm phán.

Đối với Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (Việt Nam - UK): Cục cung cấp thông tin rà soát thực hiện các nội dung thỏa thuận của Biên bản khóa họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – UK lần thứ 10; đề xuất quan điểm về Dự thảo văn kiện Hiệp định song phương Việt Nam - UK; cho ý kiến về các nội dung phản hồi sau Phiên họp lần thứ 3 của Ban Công tác về Đối thoại Thương mại và đầu tư Việt Nam - UK.

Đối với Thỏa ước La-hay về kiểu dáng công nghiệp: Văn kiện gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao cho Tổng Giám đốc WIPO ngày 30/9/2019. Thỏa ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 30/12/2019.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ còn tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm thi hành những điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như tiếp tục cung cấp thông tin về hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2019 theo yêu cầu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội (Báo cáo 301). Ngoài ra, Cục còn đóng góp ý kiến cho việc đàm phán, gia nhập một số điều ước quốc tế khác như góp ý dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sàn Hiệp định Việt Nam - Israel; chuẩn bị nội dung và tham dự phiên họp Hội nghị liên chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia...

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img