Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ

Thứ ba, 14/07/2020 15:04 GMT+7

Đây là một trong những điểm mới của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư và thực trạng công tác văn thư, lưu trữ tại Văn phòng Chương trình Quốc gia” do Văn phòng Chương trình quốc gia (Văn phòng) tổ chức vào chiều 13/7/2020.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư thay thế: Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 về công tác văn thư; Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn thư, đáp ứng các yêu cầu, tiến trình cải cách hành chính, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghị định số 30/2020/NĐ-CP là nghị định quy định chi tiết về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư gồm: Soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư theo nguyên tắc công tác văn thư được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật có hiệu lực từ ngày 05/3/2020. Về cơ bản Nghị định số 30/2020 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy phạm pháp luật về văn thư hiện hành tại các văn bản; Nghị định 110/2004/NĐ-CP; Nghị định số 09/2010/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thực hiện; Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.
 

Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng Chương trình quốc gia phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng Chương trình quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác văn thư đối với tất cả các lĩnh vực nói chung và của Văn phòng Chương trình Quốc gia nói riêng. Ông Đỗ Thành Long cho biết, trong một năm Văn phòng phải xử lý rất nhiều văn bản, do đó việc trao đổi, chia sẻ về công tác văn thư, lưu trữ rất quan trong và có ý nghĩa thiết thực giúp cán bộ của Văn phòng cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để áp dụng trực tiếp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 

Ông Đỗ Văn Thuận, Phó Cục Trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước phát biểu tại Hội thảo.
 

Ông Đỗ Văn Thuận, Phó Cục Trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước nhấn mạnh: việc triển khai Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm hướng dẫn thực hiện thống nhất quy trình hoạt động nghiệp vụ văn thư giúp cán bộ cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để áp dụng trực tiếp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó góp phần nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng cá nhân trong xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đồng thời chuyển đổi hình thức làm việc từ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên giấy sang xử lý văn bản, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.

Tại Hội thảo, các cán bộ của Văn phòng đã trực tiếp được nghe giới thiệu về Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư và những điểm mới của Nghị định so với các văn bản về công tác văn thư, lưu trữ khác do bà Vũ Thị Thanh Thủy, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Văn thư lưu trữ, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước trình bày; Hướng dẫn quy trình lập hồ sơ và nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan do bà Dương Thị Thanh Huyền, Chuyên viên Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước trình bày.

Trên tinh thần học tập tích cực, cán bộ của Văn phòng đã hưởng ứng các nội dung do báo cáo viên truyền đạt, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong suốt quá trình học. Quá đó, các cán bộ đã được trang bị kịp thời những kiến thức, kỹ năng mới về công tác văn thư, lưu trữ như: Soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư và quy định tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử, dữ liệu đặc tả của tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức góp phần nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ của đơn vị mình.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img