Giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng

Thứ sáu, 26/06/2020 10:14 GMT+7

Sáng ngày 21/6/2020, tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng”. Đề tài do Hội Cựu giáo chức Hải Phòng chủ trì thực hiện.

Ủy viên Hội đồng KH&CN đánh giá kết quả thực hiện đề tài.
 

Sau khi nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến đạo đức nhà giáo và nâng cao đạo đức nhà giáo, đề tài tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng: thực trạng phẩm chất chính trị, thực trạng đạo đức nghề nghiệp, thực trạng lối sống và tác phong, thực trạng giữ gìn và bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. Đồng thời, đề tài đánh giá thực trạng nâng cao đạo đức nhà giáo ở Hải Phòng dựa trên thực trạng công tác quản lý nhà nước về nâng cao đạo đức nhà giáo, thực trạng quản lý đạo đức nhà giáo, thực trạng tự rèn luyện nâng cao đạo đức của đội ngũ giáo viên và các nhân tố tác động đến đạo đức nhà giáo. Nghiên cứu cho thấy, thời gian qua, các cấp quản lý giáo dục đã chú trọng nâng cao đạo đức nhà giáo. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về đời sống và chịu nhiều áp lực từ xã hội, từ học sinh, phụ huynh học sinh, áp lực từ chính ngành giáo dục - đào tạo, nhưng các thầy cô tự ý thức được vị trí, vai trò của nghề giáo đã cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người thầy, được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, tôn trọng, kính yêu; công tác triển khai, xây dựng chương trình hành động theo chỉ thị, nghị quyết về nâng cao đạo đức nhà giáo đã được tiến hành khá tốt.

Bên cạnh đó, việc nâng cao đạo đức nhà giáo còn hạn chế như: việc tổ chức thực hiện, nhất là khâu thanh - kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật đôi lúc còn chưa tốt; một bộ phận nhỏ giáo viên phổ thông ở Hải Phòng chưa nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp, không cố gắng tu dưỡng, rèn luyện lối sống, tác phong của nghề giáo, dẫn tới sai sót, khuyết điểm gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín của người thầy và giảm sự tin tưởng của xã hội dành cho ngành giáo dục. Nguyên nhân của những tồn tại này xuất phát từ tác động tiêu cực của cơ chế thị trường; từ chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng hay dư luận xã hội đôi khi còn thái quá; việc thực hiện các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, thông tư về nâng cao đạo đức nhà giáo ở một số cấp quản lý giáo dục, của một số nhà trường chưa hiệu quả.

Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 nhóm giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng gồm: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo ở Hải Phòng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà trường trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo; bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức nhà giáo của đội ngũ giáo viên; phát huy tính tích cực của môi trường xã hội, truyền thông trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo và điều chỉnh môi trường sư phạm, đề xuất cơ chế chính sách đãi ngộ đội ngũ giáo viên trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo.

 

Nguồn: Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img