Quy trình xử lý bùn thải của nhà sáng chế không chuyên

Thứ bẩy, 16/05/2020 20:18 GMT+7

Là nhà sáng chế không chuyên, ông Nhan Thành Út cho rằng, cái khó của quá trình nghiên cứu sáng chế mà không có mối liên hệ với viện, trường nào là đòi hỏi phải tự mình mày mò tìm hiểu rất nhiều chuyên ngành khác nhau, từ hóa học đến vật lý, thậm chí là cả thiết kế bản vẽ...

 

Xuất thân là thợ cơ khí, ông Nhan Thành Út (trú tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh) có niềm đam mê đặc biệt với việc sáng chế các thiết bị máy móc xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Ông Nhan Thành Út không giấu được niềm vui khi chia sẻ với phóng viên về việc giải pháp của mình đã được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và cấp bằng độc quyền sáng chế.

“Giờ quy trình của tôi đã được bảo hộ rồi nhưng điều tôi vẫn suy nghĩ làm sao ứng dụng được vào thực tế, để phát huy hết tính ưu việt của quy trình này, hướng tới bảo vệ môi trường khi mà khối lượng bùn thải mỗi ngày từ các nhà máy hay sinh hoạt dân sinh rất lớn” - ông Nhan Thành Út bày tỏ. 

Ý tưởng của ông Út khởi nguồn từ năm 2010 khi ông nhận thấy rằng, quy trình xử lý nước thải công nghiệp thường sinh ra bùn ở dạng bông kết tụ bởi phèn nhôm (PAC). Loại bùn này thường chứa độc tố, phải đốt bỏ hoặc xử lý riêng khá tốn kém, hay như bùn từ hệ thống xử lý nước thải thành phố thường lẫn tạp chất như cát, sỏi, không khuyến khích sử dụng làm phân bón nên thường phải chôn lấp.

Ông Út nhớ lại: “Tôi nghĩ rằng thật lãng phí, nếu mình có thể tách được các chất hữu cơ và vô cơ riêng, đặc biệt các kim loại độc tố, như vậy, sản phẩm thu được hoàn toàn có thể sử dụng làm phân bón hoặc làm vật liệu khác trong cuộc sống”.

Vốn là thợ cơ khí nên nghĩ là làm, ông bắt đầu tự vẽ các mô hình, xây dựng quy trình xử lý rồi mua máy móc về tự gò cho đúng ý mình. Gia đình ông Út 3 đời nay ai cũng mê sáng chế, bởi vậy gia đình đều ủng hộ, dù thời gian và tiền bạc ông bỏ ra cho nghiên cứu này ‘tôi cũng quên không ghi lại’ nhưng vì đam mê nên cứ làm. Cái quan trọng nhất trong sáng chế của ông Út, theo ông tự nhận là có thể tách được kim loại nặng ra khỏi bùn thải công nghiệp và sinh hoạt, từ đó, các chất hữu cơ, vô cơ sẽ được tái chế phục vụ cuộc sống. 

Theo đó, quy trình xử lý bùn thải của ông Nhan Thành Út được thực hiện qua 4 bước: (1) Thu gom bùn thải keo tụ và chuyển vào bể gom bùn, trộn đều thành dạng bùn sệt; (2) Phá vỡ cấu trúc keo tụ của bùn bằng cách chuyển bùn sệt lên thiết bị nghiền và tiến hành nghiền bùn trên thớt đã có đường kính 100cm với vận tốc 50-100 vòng/phút để phá vỡ cấu trúc bông bùn, bổ sung thêm nước để thu về dịch bùn loãng; (3) Bơm dịch bùn vào bể chứa có gắn thiết bị sục khí ion âm với hàm lượng 3.106 pcs/cm3 rồi tiếp tục chuyển sáng bể sục khí ozone với tỷ lệ lượng khí ozone được sục/dịch bùn loãng nằm trong khoảng từ 0,5-1 (thể tích/thể tích). Sau đó, dịch bùn được bơm sang máng đặt nghiêng có phun nước bổ sung, phần vô cơ lắng xuống, được lấy ra ở cuối máng, phần hữu cơ nhẹ hơn được thoát ra ở phía trên và chảy sang bể lắng; (4) Tách nước và thu hồi vật liệu bằng cách để lắng bùn trong bể lắng tự nhiên. Tách bỏ phần nước phía trên, làm khô sau đó đem nghiền.

“Ưu điểm của sáng chế nằm ở việc thu hồi vật liệu đưa vào thiết bị nghiền khô có tay đập nghiền thành dạng bột mịn có cỡ hạt từ 0,01 đến 0,1mm rồi đưa vào ống thổi có vận tốc 3-5mét/giây để tách vật liệu theo tỷ trọng. Kết quả, chúng ta sẽ thu được vật liệu vô cơ và hữu cơ tương ứng” - ông Út giải thích thêm về sáng chế của mình.  

Từ đây, phần vật liệu vô cơ thu được, chủ yếu là muối của các kim loại nặng được sử dụng làm vật liệu san lấp, gạch không nung hoặc được hóa ra để loại bỏ ô nhiễm thứ cấp. Trong khi đó, vật liệu hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng mà không gây độc hại. 

Là nhà sáng chế không chuyên, ông Nhan Thành Út cho rằng, cái khó của quá trình nghiên cứu sáng chế mà không có mối liên hệ với viện, trường nào là đòi hỏi phải tự mình mày mò tìm hiểu rất nhiều chuyên ngành khác nhau, từ hóa học đến vật lý, thậm chí là cả thiết kế bản vẽ…

Tuy nhiên, điều ông Út tiếc nuối nhất là vẫn chưa thể triển khai sáng chế của mình trong thực tế như sáng chế trước đó của ông là ổ khóa chống trộm. Trong khi đó các địa phương trên cả nước đang đau đầu vì chưa xử lý, sử dụng bùn thải sao cho hiệu quả. Chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường đô thị Hà Nội vào năm 2017, mỗi ngày lượng bùn thải thu gom được từ 4 quận nội thành Hà Nội là hơn 6.600 tấn, chưa kể lượng chất thải lỏng từ sân bay Nội Bài. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh lượng bùn thải các loại tổng cộng khoảng 5.000-6.000 tấn. Ông Nhan Thành Út tự tin rằng sáng chế của mình có thể là một trong những phương án để giải quyết bài toán này. 

“Thực tế, mô hình này cần sự vào cuộc của đơn vị lớn có lượng bùn thải mỗi ngày nhiều mới thấy rõ hiệu quả. Quy trình của tôi trước hết là phân loại, xử lý các kim loại nặng lẫn trong bùn thải có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người” - ông Út nói thêm. 

Quy trình xử lý bùn thải của ông Nhan Thành Út đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0023227 được công bố vào ngày 25/2/2020. 



Bùn thải thu gom được trong quá trình xử lý nước thải sinh hoạt. Nguồn: Toppr.vn

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img