Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Nam Hải- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; bà Lê Bích Ngọc- Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam; các thành viên Ban liên ngành TBT; các Điểm TBT thuộc Mạng lưới TBT Việt Nam; đại diện một số cơ quan có liên quan của Bộ KH&CN và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Ông Trần Việt Thanh- Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban phát biếu khai mạc Hội nghị. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Bộ KH&CN giao là đầu mối trong việc theo dõi Đề án TBT giai đoạn 2011-2015. Đề án TBT giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10 tháng 5 năm 2011 với mục tiêu góp phần thực hiện các chính sách vĩ mô trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định WTO/TBT đồng thời bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Đề án bao gồm 06 dự án, thực hiện các nhiệm vụ như Hoàn thiện cơ sở pháp lý làm nền tảng cho hoạt động về hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 – 2015; Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để triển khai áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiệp định TBT và pháp luật Việt Nam; không gây ảnh hưởng tới an toàn cho con người, động vật, thực vật; bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng;Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu; Tăng cường trách nhiệm và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức kỹ thuật trong xây dựng và triển khai các biện pháp kỹ thuật trong thương mại; Duy trì và nâng cao năng lực Ban liên ngành TBT, Mạng lưới TBT Việt Nam; và Nâng cao hiệu quả của hoạt động phổ biến, tuyên truyền về vai trò và ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa.
Đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án của các Bộ và địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định như:
- Đối với cơ quan quản lý nhà nước: nâng cao năng lực và chuyên môn của cán bộ về TBT nhằm đáp ứng nghĩa vụ minh bạch hóa. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã giúp các cơ quan quản lý nắm rõ và thực thi quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định TBT từ đó xây dựng ban hành chính sách phù hợp với các quy định của WTO, góp phần giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng khi tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa đạt chất lượng, theo các tiêu chuẩn quốc tế.
- Đối với doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhận thức được sự ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp mình, được cung cấp thông tin kịp thời và chuyên sâu về các quy định vào hàng rào kỹ thuật của các nước Thành viên WTO nói chung cũng như của các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Doanh nghiệp tiếp cận được các cơ sở dữ liệu về TBT của các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tra cứu và khai thác thông tin một cách dễ dàng và thuận tiện hơn, góp phần nâng cao năng lực và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường này qua đó giúp cải thiện được khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng báo cáo tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như:
Việc thực hiện Đề án ở giai đoạn này vẫn còn chưa đi vào hệ thống và chưa thực sự hiệu quả một phần do chậm trễ trong việc cấp kinh phí, nhiều Bộ và Địa phương chỉ mới triển khai Đề án trong một thời gian ngắn hoặc vẫn chưa triển khai được Đề án. Việc triển khai các dự án thuộc Đề án là không đồng đều, ví dụ các Bộ chỉ tập trung chủ yếu vào các dự án mà Bộ mình chủ trì như dự án 2 và 3 của Bộ Công Thương và dự án 5 và 6 của Bộ KH&CN và ở các Địa phương; Các nội dung chủ yếu là thực hiện chức năng thường xuyên và chưa thực sự có nhiều tính chất nghiên cứu khoa học; Các Bộ chưa chú trọng nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở pháp lý làm nền tảng cho hoạt động về hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015.
Ngoài ra, sự phối hợp của các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước trong tìm hiểu, phản ứng, đối phó với các rào cản kỹ thuật còn yếu, có quá ít phản ứng của các doanh nghiệp trước những thông báo về những hàng rào kỹ thuật mà các nước dự kiến áp dụng do Mạng lưới TBT cảnh báo. Nguyên nhân của thực tế này có thể do doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề nhưng cũng có thể do phương thức cảnh báo của Mạng lưới TBT chưa đủ thu hút mối quan tâm của các doanh nghiệp. Đồng thời trong nhiều báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương đề cập đến trình độ cán bộ làm việc trong lĩnh vực TBT cũng là một trở ngại, cán bộ lâu năm thì ngoại ngữ, tin học hạn chế, cán bộ trẻ thì lại thiếu về nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật và phần lớn cán bộ làm việc trong Mạng lưới TBT là kiêm nhiệm, thành viên Ban liên ngành là các cán bộ cấp quản lý nên thiếu thời gian để làm nghiên cứu, vì vậy thiếu tính ổn định trong hoạt động.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Lê Bích Ngọc- Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam cho biết: “ Là đơn vị đầu mối và qua quá trình theo dõi các vấn đề TBT khi điều phối hoạt động, Văn phòng TBT Việt Nam có một số kiến nghị đề xuất cho kế hoạch năm 2015: Duy trì và phát huy những nhiệm vụ đạt hiệu quả, khắc phục những mặt hạn chế của năm 2014; Tăng cường xử lý thông tin của nước ngoài để thực hiện nhiều tin Cảnh báo gửi các cơ quan liên quan; Tổng kết Đề án TBT giai đoạn 2011-2015; Kiện toàn hoạt động của Ban liên ngành TBT và Mạng lưới TBT Việt Nam; và Tham mưu, tư vấn việc xây dựng, triển khai Cổng thông tin TBT chính thức cũng như cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và Địa phương khi vận hành Cổng thông tin”.
Kết thúc Hội nghị, Trưởng ban Ban liên ngành TBT - Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng giai đoạn 2016 - 2020 cần có sự đánh giá lại vị trí và vai trò của hoạt động TBT khi giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh hội nhập, tự do thương mại hóa. Đồng thời xác định lại nội dung, nhiệm vụ của TBT rõ ràng hơn để có các cơ chế cho hoạt động TBT tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức ngay cả với các cấp quản lý cần phải được tăng cường và tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với việc thực thi đề án TBT.