Đồng Tháp: Thực trạng ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Thứ năm, 14/09/2017 15:45 GMT+7

Sáng tạo kỹ thuật là một trong những hoạt động luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp Hội) chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp.

Mục đích của Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật là nhằm góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, khai thác, phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhanh chóng ứng dụng đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên hiệp Hội Đồng Tháp đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức 13 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, với tổng số 741 giải pháp dự thi chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; Cơ khí tự động hóa; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Nông lâm ngư nghiệp; Tài nguyên môi trường... Hội thi đã thu hút được nhiều tác giả/nhóm tác giả là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nông dân... tham gia.

Qua Hội thi, nhiều ý tưởng sáng tạo có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống đã được phát hiện và tôn vinh kịp thời như: Giải pháp “Máy thu hoạch bắp liên hợp”, “Máy cuộn rơm” của tác giả kỹ sư Phan Tấn Bện, Công ty Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn; giải pháp “Xác định tác nhân gây bệnh đốm trắng trên nội tạng cá lóc và thử nghiệm sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh” của tác giả Huỳnh Chí Thanh, giảng viên trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; giải pháp “Máy suốt Mè - Hột é” của tác giả Nguyễn Thanh Hùng, một nhà sáng chế nông dân ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự và nhiều giải pháp khác đang được áp dụng có hiệu quả vào đời sống sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Để có một cái nhìn chính xác về tình hình ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật trong suốt 15 tổ chức, từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy ứng dụng, nhân rộng kết quả Hội thi. Văn phòng Liên hiệp Hội Đồng Tháp đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thực trạng ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp”.

Trải qua hơn 01 năm nghiên cứu, sáng ngày 12/9/2017 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu gồm có ThS. Lê Minh Hùng – Chủ tịch Liên hiệp Hội, Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Trung Cang – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, TS. Nguyễn Văn Đúng – Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường là các Ủy viên phản biện; Ông Huỳnh Văn Quản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng và các khách mời đại diện phòng Quản lý Khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp.

Tại buổi nghiệm thu, sau khi kiểm tra các sản phẩm và nghe báo cáo thuyết minh của nhóm thực hiện Đề tài, đa số các thành viên Hội đồng đánh giá cao quá trình nghiên cứu, công sức mà nhóm thực hiện Đề tài đã làm hơn một năm qua để có được các sản phẩm theo đúng phê duyệt ban đầu.
 


 

Hội đồng khoa học nhận xét Đề tài nghiên cứu của Văn phòng Liên hiệp Hội tỉnh đã đánh giá đúng thực trạng tình hình ứng dụng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật hiện nay trên địa bàn Đồng Tháp và cũng đã đề xuất được những giải pháp thiết thực. Sản phẩm nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài rất có giá trị khoa học và thực tiễn đối với việc thúc đẩy ứng dụng kết quả Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành khảo sát 314 giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, hiện tại có đến 203 giải pháp đang được ứng dụng (chiếm 72,5%) và 77 giải pháp không còn ứng dụng (chiếm 27,5%). Những giải pháp có hiệu quả ứng dụng cao thuộc về lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe; Cơ khí, tự động hoá; Nông, lâm, ngư nghiệp. Phần lớn những giải pháp thuộc các nhóm lĩnh vực này xuất phát từ các đề tài nghiên cứu, các sáng chế được đầu tư nghiên cứu bài bản, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn cao. Số giải pháp không còn được ứng dụng chủ yếu là các giải pháp đạt giải thấp, do một số cá nhân thực hiện, chưa có chiến lược đầu tư phát triển dài hạn.

Kết quả đánh giá, Đề tài cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra và nhận 100% phiếu đánh giá “đạt” từ các thành viên Hội đồng. Tuy nhiên, để các sản phẩm Đề tài “hoàn hảo” hơn, có tính thuyết phục cao hơn, các thành viên phản biện Hội đồng đã đưa ra những góp ý trong việc bổ sung chỉ tiêu so sánh “chỉ số bình quân” vào bảng số liệu thống kê và luận giải thêm về một số kết quả khảo sát.

Thống nhất hoàn toàn với các ý kiến tư vấn phản biện của Hội đồng, nhóm thực hiện đề tài cam kết sẽ hoàn thành tốt những góp ý bổ sung để sản phẩm phục vụ tốt hơn cho Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, đặc biệt góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

Nguồn: Hồng Ly

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img