Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng

Thứ sáu, 08/09/2017 18:27 GMT+7

Sáng nay (ngày 8/9/2017), tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017. Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn
 

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện các Bộ, Ban, ngành, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng đại biểu đến từ các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trên cả nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Chính phủ đã và đang thúc đẩy cải thiện hiệu quả năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhu cầu năng lượng nói chung, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay đang tăng trưởng với mức độ cao. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, nước ta đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường. Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Trong chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.

Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 đã góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nói riêng. Luật đã bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam và đặc biệt là bổ sung các quy định Nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước.
 

Toàn cảnh Diễn đàn
 

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã cùng trao đổi về giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam - tầm nhìn đến 2050 cũng như các khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và định hướng phát triển KH&CN để giải quyết các bài toán cấp bách của ngành năng lượng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Kiều Kim Trúc, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhu cầu sử dụng than của Việt Nam chủ yếu là than nhiệt (bitum, á bitum, antraxit) để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất,... nhu cầu về than mỡ phục vụ luyện kim và than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón không nhiều. Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, nhu cầu than nói chung và nhu cầu sử dụng than cho nhiệt điện nói riêng vào năm 2017 là 55,2 triệu tấn, năm 2020 là 86,4 triệu tấn và từ năm 2025-2030 nhu cầu là từ 120-150 triệu tấn.... Theo đó, giải pháp thực hiện ổn định phát triển ngành than góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là đổi mới áp dụng KH&CN vào sản xuất; đổi mới quản trị doanh nghiệp, quản trị chi phí; nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên.

“Đối với đổi mới áp dụng KH&CN cần chú trọng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch làm cơ sở cho sự phát triển bền vững (cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than – khoáng sản; nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất; tin học hóa, tự động hóa sản xuất, phát triển và tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KH&CN)”, ông Trúc cho hay.

TS. Nguyễn Hoàng Yến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ, khai thác dầu khí là lĩnh vực khoa học kỹ thuật chuyên sâu và khó, đòi hỏi các kiến thức tổng hợp của nhiều chuyên ngành khoa học như máy tính, công nghệ thông tin, toán, địa chất, tự động hóa, vật lý.... Hiện nay, một số mỏ, cụm mỏ đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành khai thác cũng như đảm bảo duy trì sản lượng khai thác, Tập đoàn Dầu khí đã định hướng tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng KH&CN để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, đặc biệt là đầu tư nghiên cứu gia tăng hệ số thu hồi dầu (EOR), nghiên cứu các cơ chế chính sách phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên...

Nói về hiện trạng phát triển thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng, Bộ Công thương cho biết, thách thức và rào cản cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay là vốn đầu tư ban đầu lớn, chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khác. Thêm vào đó, cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa cao. Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng tái tạo... Đưa ra giải pháp về vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tiếp tục đề xuất các cơ chế hỗ trợ, chính sách để thúc đẩy năng lượng tái tạo; thiết lập các quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo để hỗ trợ các dự án điện gió, điện sinh khối; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao, hợp tác với các trường và viện nghiên cứu đào tạo nâng cao năng lực cho nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, Viện, trường về định hướng phát triển công nghệ trong ngành năng lượng tại Việt Nam, Bộ KH&CN sẽ xây dựng các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động  nghiên cứu phát triển,  chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ trong nước nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành năng lượng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img