Tham gia buổi làm việc với Đoàn công tác có ThS. Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở KH&CN thành phố Cần Thơ, đại diện các đơn vị chức năng của Sở KH&CN thành phố Cần Thơ, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ và Đại học Cần Thơ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của Sở KH&CN, Cần Thơ là một trong các địa phương có ứng dụng năng lượng nguyên tử nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chủ yếu trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Cần Thơ hiện có 78 cơ sở bức xạ, trong đó có 60 cơ sở X-quang y tế, 17 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ. Công ty chiếu xạ Thái Sơn trên địa bàn thành phố là cơ sở bức xạ có quy mô lớn nhất trong khu vực, sử dụng thiết bị chiếu xạ công nghiệp nguồn colbalt-60 phục vụ chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản để xuất khẩu. Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ với quy mô 350 giường bệnh là một trong hai cơ sở chẩn đoán, điều trị ung thư của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ quy mô 500 giường bệnh sẽ được khởi công trong tháng 9/2017 với tổng mức đầu tư hơn 70 triệu EUR, trong đó vốn ODA của Chính phủ Hungary là 57 triệu EUR và vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ là 333 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi tình hình, đề xuất các nội dung hợp tác nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TS. Hoàng Anh Tuấn đã ghi nhận ý kiến và đề xuất của các đại biểu tại buổi làm việc, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục có sự trao đổi thông tin, hợp tác giữa các chuyên gia, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có liên quan về nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực, đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ./.