Bôi trơn trong ngành mía đường mang tính đặc thù đòi hỏi phải sử dụng các dầu mỡ bôi trơn đặc chủng. Các cơ cấu bôi trơn trong ngành mía đường phải làm việc trong điều kiện tải trọng cao, bao gồm ổ trục, ổ đỡ và bánh răng, nên có thể bị lẫn rỉ đường và lẫn nước dễ gây ăn mòn. Ngoài ra, các vật liệu sử dụng để chế tạo cơ cấu bôi trơn phục vụ ngành mía đường mang tính đặc thù. Chúng thường chứa kim loại màu thích hợp với công nghệ thực phẩm đáp ứng làm việc trong các điều kiện làm việc thay đổi ở khoảng rất rộng. Thành phần cơ bản của ổ trục của máy ép mía tiêu biểu chứa tới 84% đồng, 10% thiếc còn lại là chì và kẽm, là các kim loại mềm dễ bị mài mòn và ăn mòn. Do vậy, dầu mỡ bôi trơn cho chúng phải có hệ phụ gia đa tính năng tăng cường khả năng chịu tải và phải đáp ứng tương thích với các vật liệu loại này.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, dầu mỡ bôi trơn dùng cho mía đường rất đa dạng với chất lượng khác nhau tùy theo người sử dụng. Từ mỡ bôi trơn cao cấp với các dầu gốc chất lượng cao, hệ phụ gia đa tính năng và chất bôi trơn rắn hoặc hỗn hợp của chúng có tải trọng hàn dính lên đến 8.000N đến mỡ bôi trơn đa dụng chịu tải với tải trọng hàn dính chỉ 2500N hoặc là mỡ bôi trơn bitum chất lượng thấp. Chất làm đặc của các mỡ bôi trơn loại này cũng đa dạng từ xà phòng 12HSALi thông thường đến xà phòng canxi, chất làm đặc betonite và chất làm đặc polime. Ngoài ra, do tính chất bôi trơn đặc chủng ngành mía đường, tất cả các loại mỡ bôi trơn từ chất lượng cao đến chất lượng thấp tại Việt Nam đều phải nhập ngoại. Do ít hiểu biết về kỹ thuật sử dụng nên nhiều sản phẩm nhập ngoại không đáp ứng bôi trơn gây ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị. Đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động mùa vụ của ngành, việc thực hiện hoạt động hết công suất trong thời gian ngắn và nghỉ dài nếu sử dụng mỡ bôi trơn không phù hợp, sẽ dẫn đến hỏng hóc không đáng có.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó kết hợp với phân tích tổng quan tài liệu cho thấy các yêu cầu nổi bật trong bôi trơn của ngành công nghiệp mía đường là tính chịu tải, chịu mài mòn, tính bám dính cao do điều kiện bôi trơn ở tốc độ chậm, chi tiết bôi trơn có kích thước lớn, bên cạnh yêu cầu chịu nước chống mài mòn hiệu quả. Đó là lý do nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
- Là công trình nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam xác lập được công nghệ sản xuất mỡ bôi trơn xà phòng hỗn hợp liti/canxi 12-hydroxystearate trên cơ sở dầu nền có độ nhớt cao 1000 cSt ở 40oC với sản phẩm là mỡ bôi trơn LISA GT 2 phù hợp để bôi trơn thiết bị đặc thù của ngành mía đường.
- Đã sản xuất được 700 kg mỡ bôi trơn LISA GT 2 và 1.500kg mỗi loại mỡ Li/Ca không chứa chất bôi trơn rắn LISA LC 2 và LISA LC 3.
- Đã đưa ra các kết quả nghiên cứu tính chất hóa lý và tính năng sử dụng, kết hợp với các kết quả thử nghiệm tại hiện trường để khẳng định LISA GT 2 đạt tiêu chuẩn phân loại KP2K-20 theo tiêu chuẩn phân loại DIN 51502.
- Đã đưa mỡ LISA GT 2 vào sử dụng thử tại công ty CP Mía đường Nông Cống với kết quả tốt đáp ứng yêu cầu bôi trơn của thiết bị đặc thù ngành mía đường.
- Đã xây dựng và công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS N0 93: 14.17.2014/APP Mỡ bôi trơn chịu tải cao cấp LISA GT đáp ứng điều kiện bán hàng
- Đã khẳng định đơn pha chế, công nghệ sản xuất, chất lượng mỡ và các chi phí liên quan đủ để đảm bảo LISA GT 2 có chất lượng và giá thành cạnh tranh trong thương mại.
So với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, sản phẩm của nghiên cứu có chất lượng tương đương, giá thành cạnh tranh và có thể được triển khai thương mại hóa để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật bôi trơn trong ngành mía đường. Cụ thể là khả năng chịu tải trọng cao, lớp bôi trơn rắn trên bề mặt kim loại chống cào xước trong điều kiện làm việc có tải trọng cao, có độ bền chống oxy hóa tương đương hoặc hơn các mỡ bôi trơn cùng loại đang sử dụng trên thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10954/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.