Thứ hai, 27/06/2016 10:30 GMT+7

Hội nghị Tổng kết Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 và Phương hướng triển khai giai đoạn 2016-2020

Ngày 24/6/2016, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “KH&CN phục vụ...



Tham dự Hội nghị có GS.VS. Châu Văn Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Chương trình; Ông Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Ông Trần Việt Hùng - Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh và đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Lãnh đạo Bộ/ ngành có liên quan.

Theo Báo cáo đánh giá của GS.VS. Châu Văn Minh, các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 đã bám sát các định hướng mục tiêu và thực tiễn ở Tây Nguyên, đồng thời hoàn thành 08 nội dung, 05 gói sản phẩm như Khung Chương trình đã được phê duyệt. Hội nghị đã nghe các báo cáo tổng kết những kết quả nổi bật của Chương trình: (1) “Phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên qua 30 năm đổi mới: các kết quả nghiên cứu về khoa học xã hội trên quan điểm phát triển bền vững” của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ nhiệm Chương trình; (2) “Những kết quả chủ yếu của Chương trình Tây Nguyên 3 về lĩnh vực khoa học tự nhiên và KHCN” của PGS.TSKH. Trần Trọng Hòa, Phó Chủ nhiệm Chương trình.

Phát biểu tại Hội nghị,Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá những kết quả đạt được, ghi nhận những nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương trình, đặc biệt là công tác tổ chức phối hợp thực hiện của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với các Bộ ngành và địa phương có liên quan, đồng thời cũng nêu ra những khó khăn, tồn tại của Chương trình trong giai đoạn 2011-2015 và đề xuất các giải pháp về mặt nội dung và tổ chức thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể là:

(1) Rà soát lại nhu cầu thực tiễn tại các địa phương, căn cứ vào Khung Chương trình đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch (phù hợp và hiệu quả) trong giai đoạn tới. Trong đó, ưu tiên triển khai các nội dung chủ yếu: Ứng dụng phát triển các công nghệ tiên tiến đã có của giai đoạn 2011 - 2015 vào thực tiễn sản xuất nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ Tây Nguyên; Lựa chọn triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 và các công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên.

(2) Trong ứng dụng, nhân nhanh kết quả nghiên cứu của Chương trình, đặc biệt là việc triển khai dự án ứng dụng công nghệ cần có sự tham gia của các doanh nghiệp để một mặt đáp ứng được nhu cầu về ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các địa phương vùng Tây Nguyên, mặt khác để đảm bảo tính khả thi về việc huy động nguồn kinh phí cho các dự án này. 07 vấn đề được định hướng ứng dụng công nghệ vào thực tiễn vùng Tây Nguyên.

(3) Đổi mới phương thức tổ chức, quản lý đối với Chương trình theo hướng phù hợp với Luật KH&CN và các văn bản hiện hành, đặc biệt là về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN phải được xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương (không phải là ý tưởng chủ quan từ các nhà khoa học), nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết tại Tây Nguyên như: vấn đề phát triển nguồn nước và lưu giữ nước vào mùa khô, hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên.

(4) Tăng cường công tác phối hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN để đảm bảo tính liên ngành, liên vùng phù hợp với Chương trình KH&CN cấp quốc gia, đặc biệt là việc phối hợp triển khai của các đơn vị nghiên cứu trong địa bàn vùng Tây Nguyên.

(5) Chương trình trong giai đoạn tới cần tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ quan nghiên cứu (ngoài Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thuộc địa bàn vùng Tây Nguyên với sự phối hợp, tham gia đông đảo đội ngũ nghiên cứu thuộc các viện, trường trên chính địa bàn vùng Tây Nguyên.

(6) Có cơ chế phối hợp, lồng ghép việc thực hiện Chương trình với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, hợp tác quốc tế có liên quan nhằm huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện Chương trình theo Khung Chương trình đã được phê duyệt.

(7) Tăng cường việc tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của đại diện các Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, các Sở KH&CN, nhất là đại diện của giới doanh nghiệp trong vùng để trao đổi, đề xuất những vấn đề đặt ra có tính chất liên tỉnh và liên vùng.

Lượt xem: 3977

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)