Thứ ba, 24/04/2012 10:28 GMT+7

Hội thảo Việt Nam - IAEA về “Đánh giá và lập kế hoạch quan trắc môi trường quốc gia cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam”

Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE/4/015 về "Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân”, từ ngày 17/4 đến 20/04/2012, tại Hà Nội, Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt...

Đây là một trong những hoạt động nằm trong “Kế hoạch tổng thể tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân”. TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử, Chủ dự án VIE/4/015 đã phát biểu khai mạc tại hội thảo và nêu bật tầm quan trọng của công tác quan trắc phóng xạ môi trường trong chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia.

Tham gia Hội thảo có 4 chuyên gia của IAEA đến từ Ban An toàn và an ninh hạt nhân, IAEA; Viện Các vấn đề quan trắc môi trường (IPEM), Cộng hòa Liên bang (CHLB) Nga; Cơ quan liên bang về Bảo vệ bức xạ (BfS), CHLB Đức; Viện Bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân (IRSN), Công hòa Pháp và hơn 30 cán bộ thuộc Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, (Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), Bộ Quốc phòng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia IAEA trình bày và tham gia thảo luận về các vấn đề: các tiêu chuẩn, tài liệu kỹ thuật của IAEA đối với chương trình và hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường; kinh nghiệm của Đức, Pháp, Nga về hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường; thiết lập mạng lưới cảnh báo và quan trắc phóng xạ môi trường; các nguyên tắc cơ bản của bảo vệ bức xạ cho cộng đồng và môi trường; các phương pháp và khái niệm đánh giá phơi nhiễm trong cộng đồng; cơ sở khoa học cho các tiêu chuẩn an toàn cơ bản của IAEA về bảo vệ con người và môi trường: nguồn phóng xạ cộng đồng và ảnh hưởng của bức xạ ion hóa;...

Ngày 31/08/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1636/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020”. Mục tiêu của Quy hoạch là “xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân”. Sự ra đời của Quy hoạch là cần thiết và kịp thời, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn II của phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân để chuẩn bị các điều kiện cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hội thảo lần này không chỉ là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE/4/015 mà còn góp phần triển khai một trong những nội dung giải pháp thực hiện của Quy hoạch: “Mở rộng và tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, thu hút đầu tư để phát triển mạng lưới”. Các kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo rất có ý nghĩa cho các cán bộ Việt Nam trong việc đánh giá và lập kế hoạch quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia cho chương trình điện hạt nhân.

Lượt xem: 1283

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)