Thứ hai, 30/06/2014 13:31 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cùng Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Điện Biên

Trong khuôn khổ chuyến công tác kiểm tra về tình hình hoạt động và triển khai thực hiện Chiến lược khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 - 2020; giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2012 - 2014 và công tác chuẩn bị xây dựng...


Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ KH&CN với tỉnh Điện Biên

Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng...

Về phía tỉnh Điện Biên, làm việc với Đoàn công tác gồm có ông Phạm Xuân Côi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cùng đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường...

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Điện Biên đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn Tỉnh.

Những năm qua tỉnh đã ban hành các quy định, quy chế, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp KH&CN và dịch vụ các doanh nghiệp, cán bộ tham gia nghiên cứu triển khai các đề tài chương trình dự án KH&CN, tổ chức tuyên truyền sâu rộng các kết quả kỹ thuật tiến bộ, tầm quan trọng về Sở hữu trí tuệ tới người dân, từ đó tạo lập và phát triển thị trường KH&CN của Tỉnh.

Trong giai đoạn 2011 - 2013, đã triển khai thực hiện 66 đề tài, dự án, trong đó có 04 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi được Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai tại địa phương.

Trong công tác Quản lý nhà nước về KH&CN, giai đoạn 2011 - 2013 đã nghiệm thu 29 đề tài dự án. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chủ yếu tập trung vào những thế mạnh của địa phương là nông - lâm nghiệp, với việc nghiên cứu thử nghiệm một số giống cây trồng mới có chất lượng, năng suất cao, như dự án: Xây dựng các giải pháp phát triển sản xuất hàng hóa cho giống lúa đặc sản nếp Tan tỉnh Điện Biên, triển khai gieo trồng 40 ha, năng suất đạt 40 - 45 tạ/ha, tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt người dân tham dự; xây dựng mô hình sản xuất một số loại hoa mới có giá trị cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên, triển khai trên diện tích 1.700 m2. Các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tập trung xây dựng các luận cứ khoa học, nghiên cứu các vấn đề xã hội mang tính đặc trưng của Tỉnh.


Đoàn công tác đến thăm và kiểm tra tại mô hình sản xuất nấm cho thu nhập cao

Về hoạt động Sở hữu trí tuệ, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký cho các sản phẩm hàng hóa với Cục Sở hữu trí tuệ. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ cho 01 nhãn hiệu và tư vấn thủ tục đăng kí nhãn hiệu cho 07 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Năm 2013 tổ chức Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh 02 đợt xét duyệt 16 sáng kiến của ngành Giáo dục và Đào tạo: Kết quả công nhận 05 sáng kiến đủ điều kiện công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2013. Đối với công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại36 hệ thống quản lý chất lượng của 65 cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước.

Ngoài ra, hoạt động thông tin tuyên truyền được thực hiện đa dạng, hàng năm tổ chức xuất bản và phát hành 02 loại ấn phẩm: Thông tin Kinh tế - Khoa học - Công nghệ, Thông tin khoa học công nghệ; lập chuyên mục KH&CN trên Báo Điện Biên Phủ, mỗi tháng 2 số.

Có thể nói, trong thời gian qua công tác quản lý KH&CN có sự chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ KH&CN từng bước được kiện toàn, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển ngành nghề, dịch vụ đã có hiệu quả. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học hạn hẹp hàng năm của tỉnh, Sở KH&CN đã cố gắng lồng ghép nhiều chương trình để tạo điều kiện đưa nhanh những tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhưng mức độ đầu tư là chưa thoả đáng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Thêm vào đó, việc triển khai xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình còn gặp những trở ngại do: người dân thiếu nguồn vốn, điều kiện thị trường tiêu thụ chưa ổn định; Nhà nước chưa có các giải pháp hỗ trợ mạnh về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; một số cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự coi KH&CN là động lực phát cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do đó việc tuyên truyền phổ biến tổ chức thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.


Đoàn công tác đến thăm Khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Điện Biên

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn trong Đoàn công tác và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, chia sẻ thông tin. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiến nghị với Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách về KH&CN, các giải pháp cụ thể, đồng bộ phù hợp với điều kiện miền núi. Đặc biệt đối với vùng sâu vùng xa, chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, cơ chế thanh quyết toán kinh phí khoa học, có chế độ thưởng, khuyến khích cho cán bộ làm công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học... Tiếp tục đầu tư tiềm lực KH&CN cho tỉnh miền núi để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.


Đoàn công tác đến kiểm tra tại dự án "Nuôi khảo nghiệm lợn nái sinh sản giống ngoại theo mô hình khép kín" của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhân những ý kiến đóng góp trên và nêu ra những định hướng phát triển KH&CN đối với tỉnh Điện Biên trong thời gian tới như: đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, thực hiện có hiệu quả nhất nguồn kinh phí nhà nước cấp cho hoạt động KH&CN nhằm phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh; nghiên cứu kỹ những sản phẩm đặc thù, lợi thế của địa phương, đặc biệt là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; cơ chế quỹ, thành lập Quỹ KH&CN tỉnh và thực hiện cơ chế đặt hàng. Bên cạnh đó, việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp cần tăng cường hơn, để sớm hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Tích cực tham gia 11 chương trình Bộ quản lý trực tiếp về KH&CN tại địa phương.

Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã đến thăm và kiểm tra một số mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Lượt xem: 1473

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)