Thứ ba, 24/03/2015 12:11 GMT+7

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc lên tiếng về kết luận thanh tra

Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo số 446/TB-TTCP về việc Thông báo kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Khu CNCHL). Báo Đầu tư đã phỏng vấn độc quyền ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao...

Phần I


Thưa ông, với cương vị là Trưởng Ban Quản lý, ông có nhận định gì về công tác thanh tra đối với việc quản lý và sử dụng vốn tại Khu CNCHL vừa qua?

Trước hết, tôi xin bày tỏ quan điểm đồng tình với công tác thanh tra định kỳ của Thanh tra Chính phủ đối với Khu CNCHL. Khu CNCHL là một mô hình khá mới, chưa có tiền lệ ở nước ta, dự án từ khi bắt đầu được thực hiện đến nay đã trải qua một giai đoạn tương đối dài, trong thời gian triển khai dự án đã có nhiều sự thay đổi về quy định pháp lý, một số quy định của pháp luật chưa theo kịp thực tế và đặc biệt là có sự thay đổi về địa giới hành chính (năm 2008 sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội) .... nên trong quá trình triển khai dự án không thể tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót.

Đây thật sự là một cơ hội tốt để thông qua cơ quan thanh tra, Ban Quản lý kiến nghị về một số vấn đề bất cập khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển Khu CNCHL, đồng thời cũng là cơ hội để nắm bắt, rút kinh nghiệm các tồn tại, thiếu sót mà cơ quan thanh tra nêu ra nhằm thực hiện công tác quản lý điều hành hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ngay trong quá trình thực hiện thanh tra và sau khi Kết luận thanh tra được chính thức ban hành, Ban Quản lý đã báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và chủ động tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót được đoàn thanh tra kiến nghị như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy định đầy đủ hơn về chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý; Tham gia góp ý kiến với các Bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản pháp luật có liên quan và trực tiếp điều chỉnh tới hoạt động của khu CNC như các Nghị định của Chính phủ về Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư... để trên cơ sở đó xây dựng khung giá đất áp dụng trong Khu CNCHL, xây dựng các quy trình quản lý hỗ trợ các nhà đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư...; rà soát, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai đầu tư; Rà soát và điều chỉnh dự toán một số gói thầu xây dựng; Xây dựng cơ chế quản lý và phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng; Chấn chỉnh công tác quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên...

Tuy nhiên, trong nội dung Kết luận cũng còn có một số điểm Ban Quản lý sẽ báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện Kết luận thanh tra và tiến độ thực hiện dự án.


Ông Phạm Đại Dương - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: Chí Cường)

Năm 2014, Ban Quản lý đã được đánh giá là có nhiều cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), một trong những công việc khó khăn nhất của dự án. Tuy nhiên, trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số sai phạm trong công tác này, ông có ý kiến gì về kết luận này?

Công tác GPMB được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND Tỉnh Hà Tây trước đây và UBND TP Hà Nội hiện nay chủ trì tổ chức thực hiện. Đây là một trong những công tác khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Trong thời gian qua, chúng tôi đã sát cánh với chính quyền địa phương, phối hợp rất chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành công tác GPMB.

Tại Thông báo số 433/TB-VPCP ngày 18/11/2014 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý sau thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu CNC Hòa Lạc đã đánh giá: “Quá trình xây dựng Khu CNC Hòa Lạc đã tiến hành nhiều năm qua nhưng gặp nhiều khó khăn do thay đổi về cơ chế chính sách, mô hình tổ chức hoạt động, thiếu vốn và việc mở rộng Thủ đô Hà Nội đã ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là công tác GPMB. Biểu dương Bộ KH&CN, UBND TP Hà Nội, Ban Quản lý Khu CNCHL thời gian qua đã triển khai được khối lượng công việc lớn, đã giải phóng được gần 1.000 ha đất, thu hút được nhiều dự án tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao”.

Đối với nội dung này, một phần do các văn bản pháp luật chưa đi kịp với thực tế, một phần do thay đổi cơ chế chính sách nên đã làm chậm tiến độ GPMB. Đặc biệt từ giai đoạn trước năm 2012, theo Báo cáo số 1536/TTCP-V4 ngày 25/10/2004 của Đoàn thanh tra liên ngành đã kết luận các vi phạm của UBND tỉnh Hà Tây trong việc quy định chính sách đền bù, hỗ trợ cho một số đối tượng sử dụng đất.

Những nội dung kết luận này đã khiến cho công tác bồi thường GPMB bị đình trệ một thời gian dài, cho đến khi được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ và cho phép thực hiện các chính sách mà UBND tỉnh Hà Tây đã áp dụng trước đây và bị Đoàn Thanh tra liên ngành kết luận là sai phạm (tại văn bản số 10610/VPCP-KGVX ngày 25/12/2012).

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc đến nay, công tác GPMB Khu CNC mới có thể bắt đầu triển khai mạnh mẽ và nhanh chóng trở lại. Đối với Kết luận lần này, Ban Quản lý sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội báo cáo các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách phù hợp với thực tế để công tác GPMB được thuận lợi và tiến triển nhanh hơn.

(còn tiếp)

Lượt xem: 1830

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)