Thứ ba, 10/12/2024 14:14 GMT+7

Sớm hoàn thiện Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thực hiện Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) và Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch, chiều 09/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch do ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng thẩm định.
Phối hợp liên ngành triển khai công tác lập Quy hoạch
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia triển khai công tác lập Quy hoạch. Quy hoạch được xây dựng nhằm mục đích đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình có đóng góp tích cực, trực tiếp và hiệu quả cho phát triển đất nước trong các ngành, lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác, đề ra định hướng và phương án đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, các cơ sở ứng dụng và cơ sở đào tạo năng lượng nguyên tử. 
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Quy hoạch sẽ là căn cứ để hoạch định các chính sách và kiến tạo động lực phát triển, xây dựng kế hoạch, giải pháp và huy động nguồn lực thực hiện; là công cụ quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại phiên họp.
Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành duy nhất thuộc Phụ lục II của Luật Quy hoạch có các Hợp phần Quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau. Do đó, Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử có tính phức tạp, liên ngành, quy mô, phạm vi tương đương với quy hoạch ngành quốc gia và cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ trong việc triển khai công tác lập quy hoạch. Hồ sơ Quy hoạch đã được Bộ KH&CN gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, Cổng Thông tin điện tử của các Bộ lập Hợp phần để lấy ý kiến tham tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sau khi nhận được ý kiến góp ý, Bộ KH&CN đã tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch.
Mở đầu phiên họp, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN - Đại diện Cơ quan lập Quy hoạch báo cáo tóm tắt nội dung Quy hoạch. Cũng tại phiên họp, Hội đồng thẩm định đã nghe ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng về quy hoạch; nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, các thành viên Hội đồng và đại diện khách mời. 
Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử, Đại diện Cơ quan lập Quy hoạch báo cáo tại phiên họp.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định báo cáo.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý đối với Hồ sơ quy hoạch, trong đó nội dung thẩm định tập trung vào: Sự phù hợp với nhiệm vụ lập Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Sự phù hợp với quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử; Cấu trúc dự thảo Quy hoạch và việc tích hợp các nội dung quy hoạch do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan được phân công thực hiện; Tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xu thế phát triển công nghệ và điều kiện bảo đảm về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, đặc biệt đối với Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và Chương trình/Dự án ưu tiên do các Bộ, ngành chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đưa ra các vấn đề cần tập trung thảo luận tại phiên họp.
Các chuyên gia đưa ra ý kiến phản biện tại phiên họp.
Trên cơ sở ý kiến nhận xét của các thành viên, ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định, bà Trần Bích Ngọcđã báo cáo về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định. 
Sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 
Qua ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành trung ương, ý kiến phản biện của các chuyên gia và ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp, thay mặt Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kết luận: Quy hoạch triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật năng lượng nguyên tử; Quy hoạch được xây dựng có cấu trúc, nội dung thống nhất, đầy đủ, phù hợp với nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 108/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch và phù hợp với các quy định hiện hành (Điều 15 Luật số 35/2018/QH14 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử); Quy hoạch đã tích hợp các nội dung, trong đó có các hợp phần quy hoạch do Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một cách đồng bộ, thống nhất, khoa học nhằm đạt mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả, và bền vững. Các nội dung của Quy hoạch bao gồm: Mục tiêu tổng quát, Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; Danh mục các Chương trình, Dự án ưu tiên có tính khả thi. Các giải pháp và nguồn lực đã bảo đảm điều kiện thực hiện Quy hoạch.
Các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự thảo luận tại phiên họp.
Tại phiên họp thẩm định, Hội đồng thẩm định đã thảo luận và biểu quyết, nhất trí thông qua Quy hoạch trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Để sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội đồng thẩm định đề nghị: 
Vụ Năng lượng nguyên tử - Cơ quan lập Quy hoạch, nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch theo ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia phản biện, ý kiến của các chuyên gia và kết luận của Hội đồng tại Báo cáo thẩm định. 
Thành viên Hội đồng thẩm định: Thẩm định rà soát, khẩn trương bổ sung ý kiến tham gia thẩm định (nếu có) gửi đến Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định; Rà soát Hồ sơ Quy hoạch đã được hoàn thiện do Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định gửi xin ý kiến; gửi văn bản tham gia ý kiến về Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định để tổng hợp theo quy định.
Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - Cơ quan thường trực Hội đồng: Hoàn thiện Biên bản họp thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt để gửi Cơ quan lập Quy hoạch và các thành viên Hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử; Rà soát, hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo ý kiến tham gia của các thành viên, ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký ban hành theo quy định của pháp luật năng lượng nguyên tử; Tiếp nhận Hồ sơ Quy hoạch đã được hoàn thiện do Cơ quan lập Quy hoạch trình; gửi văn bản kèm theo hồ sơ quy hoạch đã hoàn thiện để xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định tiến hành rà soát theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 422

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)