Thứ tư, 20/03/2024 15:30 GMT+7

Nâng tầm các tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam từ những chính sách kiến tạo

Nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho các tổ chức đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn lực tài chính phù hợp…
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh tại buổi tọa đàm: “Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 19/3/2024 tại Hà Nội.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại tọa đàm.
Hệ thống ĐMST quốc gia nhiều khởi sắc
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh đánh giá hệ thống ĐMST quốc gia có nhiều khởi sắc, như chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) có sự cải thiện thứ hạng, cùng sự ra đời của các Trung tâm ĐMST ghi dấu ấn đã thúc đẩy hoạt động ĐMST và KNST phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. 
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều khái niệm về ĐMST, khởi nghiệp ĐMST sử dụng chưa thống nhất dẫn tới chưa đồng bộ hoặc hiểu sai bản chất trong công tác quản lý điều hành, xây dựng chính sách. Do đó, tọa đàm mong muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ các chuyên gia, lãnh đạo đơn vị cùng tham mưu quy định quản lý về ĐMST và KNST. Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh: “Việc xác định loại hình tổ chức, định danh, vấn đề thuận lợi, khó khăn sẽ là cơ sở xây dựng cơ chế chính sách kịp thời thúc đẩy ĐMST, hệ sinh thái KNST”.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết: Hệ sinh thái KNST Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, tính đến tháng 3/2023, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đạt 427 triệu USD. Theo Báo cáo GII do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay đã có 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 60 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844; 39 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt top 200 hệ sinh thái nghiệp toàn cầu.
 
Toàn cảnh tọa đàm.
Những con số trên cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang trên đà phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, còn thiếu những chính sách để phát triển hệ sinh thái KNST như quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KNST, khuyến khích các chương trình đào tạo ĐMST trong trường học. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như tuân thủ các quy định phức tạp.
Bên cạnh đó, các chính sách còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp vẫn còn thiếu.
Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá hay khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết; hoạt động đào tạo, tập huấn cho nhân lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn mang tính hình thức. Các hoạt động đào tạo chưa được tổ chức thường xuyên. 
Kiến tạo những yếu tố thuận lợi cho ĐMST
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nhìn nhận doanh nghiệp Việt đổi mới sáng tạo ít hơn so với kỳ vọng tương ứng mức độ phát triển của quốc gia, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo sản phẩm, quy trình, cũng như so với doanh nghiệp của một số quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Phillippines. Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thường khó tiếp cận vì thủ tục hành chính; cơ chế quản lý không theo kịp phát triển của đổi mới sáng tạo và trở thành rào cản. Kiến nghị chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phổ biến công nghệ. Ông Nguyễn Mai Dương nhấn mạnh, cần củng cố khung pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo công cụ thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ cũng là một vấn đề cần quan tâm. "Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển kỹ năng quốc gia toàn diện, liên kết hợp tác trong hoạt động R&D giữa viện trường với doanh nghiệp". Một số chính sách khác được khuyến nghị bao gồm thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa và liên kết giữa các doanh nghiệp; tăng cường tiếp cận tại chính cho đổi mới sáng tạo; tăng cường cơ sở hạ tầng, năng lực kết nối và khả năng tiếp cận công nghệ.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) đã thông tin về một số kết quả đạt được của NIC trong thời gian vừa qua, đồng thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc mà NIC cũng như một số tổ chức hỗ trợ ĐMST và KNST từ giai đoạn hình thành đến quá trình triển khai hoạt động. Theo đó, việc chưa có quy định về mô hình hoạt động và cơ chế tự chủ đặc thù cho loại hình tổ chức này dẫn tới sự khó khăn, vướng mắc trong hình thành bộ máy, cấu trúc quản trị, khó thu hút và giữ chân nhân tài, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ trong nước và quốc tế. Việc thiếu vắng các quy định về quản lý và cơ chế ưu đãi đặc thù cũng gây khó khăn, vướng mắc cho NIC và các đơn vị sự nghiệp công lập khác trong sử dụng, khai thác tài sản công. Trên cơ sở đó, ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải sớm có cơ chế, chính sách chung, có trọng điểm về ĐMST và KNST theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các chính sách chấp nhận mức rủi ro cao, hình thành các Hub về ĐMST, cơ chế chia sẻ và dùng chung hạ tầng nghiên cứu và phát triển.
Tại tọa đàm, ông Trần Trí Dũng, Cố vấn khởi nghiệp Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ chia sẻ, cần thúc đẩy các đơn vị trung gian, hiện nay đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học nhưng có một thực tế là năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng, ông Trần Trí Dũng cho biết.
Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp quốc gia (VSMA) thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sáng lập và Giám đốc vườn ươm Bizcare đã trao đổi về hoạt động và vai trò của VCCI trong xây dựng hệ sinh thái, vai trò của VSMA trong phát triển hoạt động cố vấn, huấn luyện viên cho startup và nhu cầu thực tiễn về việc nâng cao năng lực công nghệ cho startup, vườn ươm, gắn kết với khu vực trường đại học. 
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, quản lý và đồng sáng lập KisStartup chia sẻ về hoạt động kết nối với tập đoàn, doanh nghiệp lớn thông qua ĐMST, nhu cầu hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp, tập đoàn với các startup…
Theo các chuyên gia, những thành tựu bước đầu về KNST, ĐMST đã góp phần khẳng định những định hướng chiến lược đúng đắn và các biện pháp cụ thể phù hợp của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy ĐMST. Tuy nhiên, để khắc phục những điểm hạn chế và giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy hoạt động ĐMST và KNST, cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. 
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh tổng kết một số nội dung đã được trao đổi và thống nhất với ý kiến của các đại biểu tham dự, theo đó:
Thứ nhất, mặc dù có sự giao thoa, nhưng ĐMST và KNST là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp về quản lý nhà nước, theo đó: ĐMST được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể, ĐMST không nhất thiết phải từ hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn từ phổ biến kinh nghiệm, kiến thức của người dân nhưng không thể tách rời KH&CN. Đối tượng chính để thực hiện ĐMST là doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên để thực hiện ĐMST hiệu quả và có tác động lan toả, doanh nghiệp cần được kết nối với các tác nhân khác của hệ thống ĐMST quốc gia. ĐMST trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chưa từng có, do đó cần có hành lang pháp lý đặc thù và cơ chế liên ngành để có giải pháp ứng xử phù hợp; KNST tập trung vào tinh thần kinh thương với hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới nhưng chưa có hoạt động sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường. KNST có thể do nhóm, cá nhân hoặc có thể thực hiện dưới "vỏ mượn" của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Hiện nay KNST đang được "gửi gắm" vào luật SME, dẫn đến "hiểu nhầm" khởi nghiệp là SME với các ứng xử chưa phù hợp. Do đó, cần có khung khổ pháp lý riêng cho KNST cũng như cần có các hub để gắn kết KNST với doanh nghiệp cũng như với các các nhân tố khác của hệ sinh thái KNST.
Thứ hai, hiện nay, có nhiều định danh được sử dụng cho các đối tượng ĐMST và KNST dẫn đến sự thiếu thống nhất. Hơn nữa, các tổ chức mới chỉ được quy định về thành lập chứ chưa có quy định về quản lý hoạt động và các chính sách ưu đãi. Điều này đặt ra sự cần thiết phải có quy định chung nhằm xác định, thống nhất chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức ĐMST và KNST. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc theo dõi, đánh giá, xác nhận để các tổ chức được hưởng các ưu đãi phù hợp và chính đáng.
Thứ ba, Bộ KH&CN ủng hộ và khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hình thành và phát triển các tổ chức ĐMST và KNST. Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về ĐMST và KNST (tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP), Bộ KH&CN có trách nhiệm nhìn nhận tổng thể các vấn đề quản lý nhà nước đối với hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó NIC và các trung tâm ĐMST quốc gia của các ngành, lĩnh vực đóng vai trò nòng cốt. Để thực hiện trách nhiệm này, Bộ KH&CN đã có báo cáo trình Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho cả hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia, trong đó ưu tiên cho các đối tượng đặc thù, trọng tâm như NIC. Trong thời gian tới, với vai trò chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách chung cho hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia, Bộ KH&CN sẽ chủ trì và mong muốn nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy sự hoạt động ĐMST và KNST.
 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1933

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)