Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo đánh giá kết quả công tác CCHC, đề xuất giải pháp nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 của Bộ KH&CN diễn ra ngày 23/11/2023, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự, chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Bộ đã nỗ lực cố gắng triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác CCHC. Một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã có những cải cách đáng kể, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ. Nhiều TTHC, đặc biệt là các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ số CCHC của Bộ năm 2022 còn chưa thật sự được chú ý quan tâm, việc triển khai còn chưa đồng bộ, vì vậy kết quả đạt được chưa cao, ảnh hưởng đến Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2022 của Bộ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác CCHC.
“Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhận diện những điểm còn tồn tại, hạn chế để xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục, hoàn thiện, nâng cao Chỉ số CCHC của Bộ trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao Chỉ số PAR INDEX của Bộ năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị cần có các giải pháp tập hợp nguồn lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc các Chương trình, Kế hoạch công tác về CCHC của Chính phủ và của Bộ, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chú trọng hoàn thành đúng hạn, có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý những quy định chồng chéo hoặc không còn phù hợp; chủ động tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách.
Bên cạnh đó, đề ra các giải pháp nhằm rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo chỉ đạo của Chính phủ. Giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do Bộ KH&CN cung cấp.
Cùng với đó, cần có giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong tổ chức quản lý, thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo hướng chú trọng vào mục tiêu và hiệu quả ứng dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN; xây dựng đồng bộ cơ chế để thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân tham gia hoạt động KH&CN.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Cao Huy Long - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, theo Quyết định phê duyệt Đề án Xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc gồm 7 lĩnh vực, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Cụ thể, 7 lĩnh vực gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Ông Cao Huy Long - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo tại Hội thảo.
Thang điểm đánh giá của Chỉ số CCHC là 100. Trong đó, điểm tự đánh giá là 68,5/100, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 31,50/100. Năm 2022, Chỉ số CCHC của Bộ KH&CN đạt 76,47/100 điểm. Trong đó, có 36/38 tiêu chí và 78/97 tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa. Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt điểm/hoặc chưa đạt điểm tối đa như: tỷ lệ cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ (Vụ, Cục, Tổng cục và tương đương) được kiểm tra trong năm; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn theo quy định; số đơn vị sự nghiệp công lập tăng mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên trong năm; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt...
Tại Hội thảo, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã có báo cáo về các tiêu chí của Chỉ số CCHC được giao phụ trách, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Xuân Định yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cần ưu tiên và quan tâm đối với công tác CCHC tại đơn vị mình.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, bộ Chỉ số CCHC là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá công tác CCHC của Bộ, ngành với 7 trụ cột bao phủ hầu hết các công việc. Do vậy, cần thay đổi nhận thức và sự chủ động, vào cuộc của tất cả các đơn vị, trong đó phải gắn kết quả thực hiện Chỉ số CCHC với việc đánh giá kết quả công tác cuối năm của thủ trưởng các đơn vị. Thứ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị huy động tất cả các nguồn lực để giải quyết những tồn đọng trong báo cáo đã chỉ ra cũng như định hướng trong thời gian tới. Thứ trưởng giao các đơn vị liên quan rà soát tình hình cải thiện các chỉ số và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ.